Báo cáo quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến 2030

Ngày 18/3, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị Báo cáo quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Báo cáo quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến 2030 ảnh 1Đắp đập ngăn mặn xâm nhập vào vùng sản xuất xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Ngày 18/3, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị Báo cáo quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE), vấn đề quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã được đề cập nhưng chưa triệt để, chưa gắn kết với quy hoạch cấp nước trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn đang gia tăng và diễn biến phức tạp.

Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cơ sở để các bộ, ngành các tỉnh, thành phố trong vùng đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước gắn liền với phát triển kinh tế xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo quy hoạch, đến năm 2030 sẽ xây dựng hệ thống cấp nước liên vùng kết hợp với các nhà máy nước hiện có và các nhà máy nước xây mới tại các tỉnh, đáp ứng cho 100% dân số khu vực nội thị và 90% dân số khu vực ngoại thị, 25% dân số nông thôn sẽ được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung đô thị, hạn chế sử dụng nước dưới đất, ưu tiên khai thác nước mặt, chủ yếu lấy từ sông Tiền và sông Hậu.

Tổng nhu cầu dùng nước đến năm 2030 của toàn vùng khoảng từ 3,2-3,4 triệu m3/ngày trong khi đến năm 2030 công suất các nhà máy nước hiện có được sử dụng lại chỉ đáp ứng được 918.000 m3. Do đó cần công suất phát triển các nhà máy nước mới là 2.359.000 m3.

Hệ thống cấp nước được thực hiện theo mô hình cấp nước tập trung (xây dựng hệ thống cấp nước liên vùng) kết hợp với hệ thống cấp nước phân tán tại các tỉnh thành...

Định hướng đến năm 2050 sẽ xây dựng bổ sung các tuyến ống truyền dẫn tới các tỉnh ven biển Tây và biển Đông, nối vòng một số tuyến ống để đảm bảo cấp nước an toàn; mở rộng mạng lưới cấp nước cho đô thị và công nghiệp theo từng thời kỳ; giảm thất thoát nước sạch ở mức dưới 10%....

Nguồn vốn thực hiện dự kiến được kêu gọi đầu tư từ xã hội hóa, hợp tác công tư PPP, vốn ODA từ các nước, các tổ chức tín dụng quốc tế và vốn Trái phiếu Chính phủ.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, thời gian gần đây vấn đề khô hạn và nhiễm mặn diễn ra gay gắt ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ và các bộ, ngành đã tổ chức liên tục nhiều cuộc họp nhằm tìm ra những giải pháp khắc phục và xử lý hạn, mặn.

Việc triển khai thực hiện các dự án cấp nước cho toàn vùng là hết sức cấp thiết hiện nay.

Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu các ý kiến thống nhất của các tỉnh, thành thông qua đề án để Bộ Xây dựng sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất, đó là 2 Đề án "Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" và Đề án "Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục