Bảo đảm quyền lợi chính đáng giữa bên bán và bên mua bảo hiểm

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, dự thảo Luật sẽ làm rõ và cụ thể hơn các quy định trong hợp đồng bảo hiểm để phù hợp với Bộ luật Dân sự và các luật khác, đảm bảo quyền lợi của cả hai bên.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 29/10, Quốc hội làm việc dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, thảo luận trực tuyến về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Rà soát nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật

Thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu tán thành cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập sau nhiều năm thi hành.

Theo các đại biểu, các nội dung của dự thảo đã phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng tốt hơn các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Về nội dung của hợp đồng bảo hiểm nêu tại Điều 14 của dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà (Tuyên Quang) đánh giá dự thảo đã quy định tương đối đầy đủ về 8 nội dung của hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng, vì đây là điều khoản quy định về các hành vi pháp lý của các bên tham gia, các bên phải thực hiện, hoặc bắt buộc phải thực hiện. Đây cũng là cơ sở pháp lý rất quan trọng cho việc thực thi các điều khoản của hợp đồng trên thực tế, đồng thời cũng là căn cứ để giải quyết những tranh chấp sau này có thể phát sinh, đồng thời phù hợp với các quy định của Bộ luật Dân sự.

Liên quan đến điều khoản quy định về loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà, đây là nội dung rất quan trọng vì hậu quả pháp lý của việc này là người mua bảo hiểm sẽ không được hưởng các quyền lợi của bảo hiểm. Tuy nhiên qua rà soát, đại biểu cho rằng dự thảo quy định có những điểm chưa được chặt chẽ, ví dụ như chưa có điều khoản quy định cụ thể các trường hợp được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tại một điều.

"Điều 38 của dự thảo nêu doanh nghiệp bảo hiểm có thể tự thỏa thuận nội dung mà không trả tiền người mua bảo hiểm, đây là một quy định rất rủi ro cho người mua bảo hiểm vì Luật Kinh doanh bảo hiểm gồm những kiến thức rất chuyên sâu, chuyên ngành, không phải người mua bảo hiểm nào cũng có đủ kiến thức pháp lý để lường trước được những rủi ro để bảo vệ quyền lợi của mình. Do vậy tôi đề nghị nội dung này quy định cụ thể hơn, có thể tại một điều, hoặc có dẫn chiếu đến các điều quy định tại dự thảo," đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Tuyên Quang cũng cho ý kiến về nội dung "trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong bảo mật thông tin" quy định tại Điều 17. Theo quy định của điều này, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền cung cấp thông tin của người mua bảo hiểm nếu được người mua bảo hiểm đồng ý.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm người nhận bảo hiểm và người thụ hưởng vào đối tượng bảo mật thông tin, vì thông thường có những trường hợp người mua bảo hiểm không phải là người nhận bảo hiểm và người thụ hưởng, trong khi đó đối với những thông tin liên quan đến thân nhân thì nhân thân của họ phải có sự đồng ý trước khi cung cấp.

Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), khoản 1 Điều 15 của dự thảo Luật quy định hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản; cũng tại khoản 2 Điều 15 của dự thảo quy định, hợp đồng bảo hiểm có thể được thể hiện bằng hợp đồng hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm với các hình thức dân sự phù hợp khác. Trong khi đó, khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự quy định giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản, bằng hành vi cụ thể.

Như vậy, đối chiếu với Điều 119 Bộ luật Dân sự, khoản 1 và khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật chưa có sự thống nhất. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ, đối chiếu các nội dung của dự thảo luật với các luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp... nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Nhấn mạnh hợp đồng bảo hiểm là chế định quan trọng, trung tâm của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, dự thảo Luật tuy đã bổ sung một số quy định liên quan đến kiểm soát nội dung hợp đồng bảo hiểm, tuy nhiên quy định chưa rõ về việc bảo vệ quyền lợi của cá nhân, đơn vị mua bảo hiểm. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định này theo hướng đảm bảo sự bình đẳng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cả người cung cấp dịch vụ và người mua bảo hiểm.

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, bảo hiểm vi mô giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu nhằm đáp ứng nhu cầu tiết kiệm và bảo vệ trước những rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống.

"Bảo hiểm vi mô là một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp cho người nghèo có thói quen tích lũy tài chính. Thực tế bảo hiểm vi mô là rất cần thiết, đặc biệt là đối với các nhóm yếu thế, mang lại lợi ích rất lớn cho toàn xã hội," đại biểu khẳng định.

Tuy nhiên, theo đại biểu, việc triển khai bảo hiểm vi mô tại Việt Nam chưa thực sự phát triển do bộ phận chủ yếu hướng đến của sản phẩm bảo hiểm vi mô thường ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên khó tiếp cận, chi phí triển khai thường lớn hơn các sản phẩm bảo hiểm thông thường nhưng rủi ro nhiều hơn nên đa số doanh nghiệp đang kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam chưa muốn cung cấp bảo hiểm vi mô và thực tế vẫn còn khoảng trống về chính sách pháp luật đối với loại hình bảo hiểm vi mô. Chủ thể cung ứng bảo hiểm vi mô có thể là các doanh nghiệp kinh doanh hoặc tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp.

[Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm tạo 'cú hích' mạnh mẽ cho thị trường]

Theo dự thảo Luật sửa đổi, các tổ chức được cung cấp sản phẩm bảo hiểm vi mô gồm doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam; tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp phép thành lập và hoạt động để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho chính các thành viên của mình, song xét về mặt pháp lý, quy định tại dự thảo Luật chưa chặt chẽ, không cụ thể về ngăn ngừa rủi ro, trong khi đó đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, đối tượng tham gia rất đông và nếu có rủi ro thì tác động rất lớn đến xã hội.

Cùng quan tâm đến các quy định về bảo hiểm vi mô, đại Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) tán thành việc bổ sung thêm chương về bảo hiểm vi mô, khẳng định đây là loại hình bảo hiểm rất cần thiết, có tính xã hội cao, hướng tới đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, dự thảo Luật chỉ định 2 điều về bảo hiểm vi mô là chưa đầy đủ, gây khó khăn vướng mắc khi triển khai trên thực tế.

Đại biểu đề nghị bổ sung, cụ thể hóa các quy định về bảo hiểm vi mô, quy định rõ khung pháp lý, tổ chức điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm, bổ sung các cơ cấu khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên sâu thực hiện bảo hiểm vi mô.

Doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm về bảo mật thông tin

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngày 25/10 vừa qua, thảo luận tại tổ, đã có 246 ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và Bộ Tài chính đã có tiếp thu, giải trình đối với 87 ý kiến.

Đối với các ý kiến tại phiên thảo luận sáng nay, Bộ Tài chính tiếp thu tối đa và sẽ cùng với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hoàn thiện lại đề án Luật để trình Quốc hội vào kỳ họp sau.

Giải trình, làm rõ thêm một số ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các báo cáo đánh giá nhằm hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật.

Về bố cục và kết cấu của dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội điều chỉnh lại nội dung cơ cấu về tài chính, hạch toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm thành 1 mục của Chương III.

Về nội dung ứng dụng công nghệ thông tin, sẽ tách Mục 8 Chương III thành một chương riêng nhằm phát triển sản phẩm bảo hiểm trên nền tảng số và khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo hiểm. Bên cạnh đó, dự thảo Luật sẽ được hoàn thiện về các khái niệm, hành vi nghiêm cấm và quy định cụ thể hơn về bảo hiểm bắt buộc; làm rõ và cụ thể hơn các quy định trong hợp đồng bảo hiểm để phù hợp với Bộ luật Dân sự và các luật khác, đảm bảo quyền lợi cho người mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.

Đối với nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là các vấn đề liên quan đến bảo hiểm vi mô, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng bảo hiểm vi mô là loại hình bảo hiểm mới, mang tính lợi ích cao song đồng thời cũng mang tính rủi ro, do đó cần phải xử lý linh hoạt.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Các ý kiến của đại biểu sẽ được tiếp thu và đưa vào dự thảo Luật những nội dung cần thiết về điều kiện thành lập, tổ chức tương hỗ, sản phẩm, nguyên tắc hoạt động... nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc trợ giúp người nghèo và các đối tượng yếu thế nói chung.

Ngoài ra, các quy định về đại lý bảo hiểm cũng sẽ được hoàn thiện với mục tiêu nâng cao tính chuyên nghiệp, tránh việc lợi dụng, ép buộc khách hàng.

Về trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong bảo mật thông tin, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự thảo Luật đã quy định rất rõ việc cung cấp thông tin cần tuân thủ Điều 21 Hiến pháp, Điều 38 Bộ luật Dân sự, Luật An ninh mạng và các luật khác. Thông tin được mã hóa, phân cấp quản lý, đảm bảo đúng quy định, doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm về bảo mật thông tin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục