25,5 triệu euro (khoảng 31 triệu USD) là khoản viện trợ nhân đạo khẩn cấp Đức vừa quyết định dành cho các nước thuộc khu vực Hồ Chad, châu Phi, nhằm từng bước tháo gỡ cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ tại đây.
Phát biểu với báo giới ngày 8/6 tại thủ đô Abuja của Nigeria nhân chuyến thăm, thị sát tại khu vực này, ông Hinrich Tholken, Đại sứ và Đại diện thường trực của Đức tại các tổ chức quốc tế ở Rome (Italy), cho biết khoản viện trợ khẩn cấp này sẽ được chuyển cho Chương trình Lương thực thế giới (WFP) để hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu lương thực và suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi ở Nigeria, Cameroon, Cộng hòa Chad và Niger.
Ông nhấn mạnh khoản hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp này nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc, mong muốn cộng đồng quốc tế chung tay, góp sức giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở lưu vực Hồ Chad, được coi là cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất ở châu Phi hiện nay.
Tình trạng đặc biệt nghiêm trọng tại vùng Đông Bắc rộng lớn của Nigeria, nơi lực lượng Hồi giáo cực đoan Boko Haram thường xuyên tổ chức các cuộc tấn công khủng sang cả các nước láng giềng như Cameroon, Cộng hòa Chad, Niger, khiến hàng trăm nghìn người dân vô tội phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Ngoài ra, tình trạng hạn hán kéo dài cũng làm gia tăng nguy cơ về nạn đói ở khu vực này.
Đại sứ Tholken cho rằng khoản cứu trợ nhân đạo này sẽ giúp WFP có thêm lương thực, thực phẩm cho hơn 650.000 người tị nạn, di cư nội địa ở bốn quốc gia ở khu vực này.
Ngoài ra, viện trợ khẩn cấp của Đức cũng giúp cung cấp các suất ăn miễn phí tại trường cho 17.000 học sinh tiểu học ở Niger và Cameroon và tạo điều kiện cho 40.000 trẻ em dưới 5 tuổi được nhận các thực phẩm bổ sung đặc biệt chống suy dinh dưỡng.
Liên hợp quốc đánh giá tình hình tại Đông Bắc Nigeria là rất đáng báo động và đây là "cuộc khủng hoảng lớn nhất trên lục địa" khi các cuộc tấn công khủng bố của Boko Haram khiến ít nhất 15.000 người thiệt mạng và hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Trong khi đó, theo số liệu ước tính của Liên hợp quốc vào cuối năm ngoái, có tới 75.000 trẻ em nước này có nguy cơ bị chết đói, trong khi hàng triệu người phải lần hồi kiếm sống ra qua ngày.
Hoạt động cứu trợ nhân đạo của các cơ quan viện trợ quốc tế tại Nigeria hiện không hiệu quả do các nhân viên cứu trợ không tiếp cận được các vùng dân cư bị đói vì đây là các khu vực Boko Haram chiếm đóng và nạn trộm cắp hàng viện trợ lan tràn./.