Khói mù độc hại bao phủ các đô thị lớn, lũ lụt và lở đất khiến hàng trăm người chết, bão hoành hành bờ biển, cháy rừng, hạn hán và các đợt nắng nóng gây chết người và cạn kiệt nguồn nước ở các thành phố và thị trấn.
Đó là phác họa thực trạng khắc nghiệt của cuộc khủng hoảng khí hậu xảy ra năm 2019 tại châu Á-Thái Bình Dương, khu vực dễ hứng chịu thảm họa thiên tai nhất trên thế giới.
Trên tất cả những hiện tượng bất thường này, các nhà khoa học cho rằng khủng hoảng khí hậu đang gây ra các hình thái thời tiết cực đoan hơn và gây hậu quả tàn khốc tại khu vực này.
Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, Xã hội châu Á-Thái Bình Dương thuộc Liên hợp quốc (ESCAP) công bố hồi tháng Tám vừa qua, hậu quả tàn khốc do các thảm họa thiên tai gây ra trong hai năm qua đã vượt quá những gì mà khu vực này từng trải qua trước đây hoặc nằm ngoài dự báo.
Tại nhiều diễn đàn, hội nghị cấp cao trong năm nay, nhiều lời kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu đã được đưa ra cùng với những cam kết.
Tuy nhiên, trong khi nhiều người dân ở các nước phát triển coi khủng hoảng khí hậu là cấp bách nhưng là vấn đề của tương lai, đối với hàng triệu người dân đang sinh sống tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khủng hoảng khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống của họ.
Là nơi cư trú của 60% dân số thế giới, châu Á-Thái Bình Dương hiện là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước khủng hoảng khí hậu.
Vấn đề ở đây là tốc độ đô thị hóa chóng mặt ở nhiều nước châu Á, với tốc độ phát triển thường vượt tốc độ hoạch định hạ tầng cơ sở phù hợp.
Dân số bùng nổ và tình trạng người lao động nông thôn ồ ạt đổ ra ra các thành phố kiếm sống đang gây áp lực đối với nước và nguồn cung lương thực.
[Hội nghị COP 25: Đánh mất cơ hội để giải cứu Trái Đất]
Nhiều thành phố lớn ở châu Á như Mumbai, Thượng Hải, Bangkok, Thành phố Hồ Chí Minh và Jakarta là những thành phố ven biển và thuộc vùng thấp khiến các thành phố này dễ bị tổn thương trước mực nước biển tăng và các hình thái thời tiết cực đoan khác.
Những thập kỷ tới sẽ chứng kiến sự gia tăng của các thành phố khổng lồ do dân số trên thế giới không ngừng chuyển tới sinh sống ở các khu đô thị.
Với tốc độ phát triển nhanh nhờ công nghiệp hóa và phụ thuộc vào than đá, các nước châu Á đang ngày càng thải ra nhiều khí thải CO2 vào môi trường bất chấp nỗ lực hướng tới năng lượng sạch của nhiều nước trên thế giới.
Sự giàu có vật chất tăng lên, thì thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng đối với đồ dùng tiện nghi như máy điều hòa, ôtô, hàng hóa dùng một lần, cũng gia tăng.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất các mặt hàng này lại thải ra một lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong khi các thành phố giàu có như Hong Kong (Trung Quốc) có thể chi trả cho các biện pháp chống thảm họa ở một giới hạn nào đó, dân số ở nhiều nước nghèo đói hiện đang sinh sống ở một số nơi ô nhiễm môi trường nhất trên Trái Đất, nơi các hình thái thời tiết cực đoan có thể gây thảm họa cho đời sống, sản xuất lương thực, nguồn nước, kinh tế và hạ tầng cơ sở.
Trong báo cáo năm nay, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) khẳng định rằng mực nước biển trên toàn cầu đang tăng nhanh hơn dự báo.
Trong nghiên cứu công bố hồi tháng 5 vừa qua, IPCC nêu rõ: "Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng, nhiệt độ Trái Đất ấm lên, các sông băng tan chảy và tảng băng biến mất có thể khiến mực nước biển dâng cao hơn 2m vào cuối thế kỷ này nếu các nước vẫn tiếp tục không kiểm soát được lượng khí thải CO2."
Nước biển dâng cao 2m sẽ buộc 187 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, phần lớn là ở châu Á và nhấn chìm các thành phố lớn như Thượng Hải.
Một nghiên cứu khác cho thấy nhiều nước Đông Nam Á có thể bị ngập chìm trong nước vào năm 2050.
Theo Chương trình Phát triển LHQ, thích nghi với nước biển dân cao sẽ là thách thức chính đối với các nước châu Á-Thái Bình Dương.
Các nước cần đề ra các biện pháp ứng phó như bảo vệ đường bờ biển, hạ tầng cơ sở, khôi phục rừng đước và xác định những khu vực có nguy cơ ngập lụt.
Theo bà Cooper-Halo, Giám đốc phụ trách thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc Ban thư ký Chương trình Môi trường khu vực Thái Bình Dương (SPREP), các nước châu Á-Thái Bình Dương đã buộc phải thích ứng, lắp đặt các trạm đo mực nước biển dâng và trồng những loại cây dễ thích nghi hơn với nước mặn.
Hiện có khoảng 2,4 tỷ người trên thế giới (một nửa trong đó ở châu Á), đang sinh sống tại những khu vực dễ tổn thương trước các hình thái thời tiết cực đoan.
Trong năm nay, các vụ lũ lụt, lở đất do mưa lớn gây ra đã tàn phá Ấn Độ, Nepal, Pakistan và Bangladesh, khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Trong khi đó, các nước châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản Ấn Độ, Bangladesh, Hàn Quốc, Thái Lan, Sri Lanka và Philippines trong năm này đều hứng chịu các trận bão mạnh, khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người phải đi sơ tán và chịu thiệt hại hàng triệu USD.
Theo dự báo của các nhà khoa học, khủng hoảng khí hậu sẽ làm bão tố gia tăng cấp độ, mưa to và gió mạnh hơn.
Để đối phó với mối đe dọa trên, các thành phố dễ bị tổn thương trước bão đang chịu sức ép phải cải thiện hạ tầng cơ sở và lập kế hoạch phát triển tương lai một cách phù hợp.
Trong bối cảnh công tác chuẩn bị ứng phó với thời tiết cực đoan rất tốn kém, có những lời kêu gọi nước giàu hỗ trợ tài chính và công nghệ để giúp các nước nghèo phục hồi từ tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu.
Ngoài ra, bà Cooper-Halo cho rằng các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng cần chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để thay thế.
Do khủng hoảng khí hậu khiến lượng mưa và mùa mưa hằng năm vốn đóng vai trò quan trọng trong ngành nông nghiệp của khu vực, trở nên thất thường, tình trạng hạn hán và thiếu nước sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Năm năm qua được ghi nhận là năm nóng kỷ lục và các đợt nắng nóng tại Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Australia trong năm nay ngày càng trở nên khốc liệt đến nỗi một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho rằng một số nơi có thể trở nên quá nóng để có thể sinh tồn được.
Theo báo cáo mới công bố trong tháng này, 1/4 dân số thế giới đang sống tại những khu vực không có đủ nước cho nhu cầu sinh hoạt của con người khi cuộc khủng hoảng nước ngày càng phổ biến.
Chủ tịch đồng thời là Giám đốc điều hành Viện Tài nguyên thế giới Andrew Steer nhận định: "Thiếu nước là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà không ai thảo luận tới. Hậu quả nhãn tiền mà nó gây ra là thiếu an ninh lương thực, xung đột và di cư cũng như bất ổn về tài chính."
Trước thực trạng đáng báo động trên, bà Cooper-Halo cho rằng người dân khu vực châu Á-Thái Bình Dương không được "đầu hàng" mà cần nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu./.