Báo động nạn quấy rối tình dục tại các cơ quan Liên hợp quốc

Theo kết quả một cuộc khảo sát trực tuyến, được Liên hợp quốc ủy quyền cho công ty Deloitte, có tới 38,7% số nhân viên Liên hợp quốc cho biết đã bị quấy rối tình dục trong 2 năm qua.
Báo động nạn quấy rối tình dục tại các cơ quan Liên hợp quốc ảnh 1(Nguồn: AFP)

Có tới 38,7% số nhân viên Liên hợp quốc cho biết đã bị quấy rối tình dục trong 2 năm qua. Đây là kết quả một cuộc khảo sát trực tuyến, được Liên hợp quốc ủy quyền cho công ty tư vấn và kiểm toán toàn cầu Deloitte thực hiện hồi tháng 11/2018 đối với hơn 30.000 nhân viên làm việc tại 31 cơ quan trực thuộc tổ chức quốc tế này, công bố ngày 15/1.

Theo kết quả khảo sát, các hình thức quấy rối tình dục phổ biến nhất là: đưa ra những câu chuyện hoặc lời bông đùa mang tính khêu gợi (21,7%), những nhận xét khiếm nhã về vẻ bề ngoài, cơ thể (14,2%), lôi kéo người khác nói về chủ đề tình dục (13%), có cử chỉ hoặc hành động mang tính khêu gợi (10,9%) cũng như đụng chạm khiến người khác khó chịu (10,1%).

Các hình thức quấy rối tình dục nghiêm trọng nhất gồm cưỡng hiếp hoặc mưu toan cưỡng hiếp, với các nạn nhân chủ yếu là phụ nữ có xu hướng tình dục dị tính, trong độ tuổi từ 35 đến 44, là nhân viên hợp đồng có thời hạn.

Phụ nữ, người chuyển giới, người đồng tính là nhóm đối tượng bị quấy rối tình dục cao nhất, tương ứng với tỷ lệ lần lượt là 41,4%, 51,9%, 50,6%. Có tới gần 50% số người trong độ tuổi từ 25 đến 34 chia sẻ từng bị quấy rối tình dục.

Trong khi đó, các nhân viên hoặc chuyên gia trẻ, các tình nguyện viên và cố vấn của Liên hợp quốc cũng là nhóm bị quấy rối tình dục nhiều nhất.

[Các ứng dụng điện thoại giúp phụ nữ tránh các hành vi quấy rối]

Cũng theo kết quả khảo sát trên, 2/3 số đối tượng quấy rối tình dục là đàn ông và 1/3 có độ tuổi từ 45 đến 54. Hơn 50% số đối tượng quấy rối tình dục là đồng nghiệp của nạn nhân và 1/4 giữ cương vị quản lý hoặc giám sát. Trong khi đó, gần 1/10 đối tượng quấy rối tình dục là lãnh đạo cấp cao.

Tuy nhiên, hầu hết các vụ quấy rối tình dục đều không được trình báo. Chỉ có 1/3 số nạn nhân có phản ứng với hành động quấy rối, trong đó 37% chọn cách tự giải quyết. Hầu hết các nạn nhân muốn tìm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp hoặc nhà quản lý hơn là công khai tố giác.

Trong thư gửi các nhân viên khi công bố kết quả khảo sát, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết tỷ lệ tham gia cuộc khảo sát ở mức khá thấp, khoảng 17%.

Theo ông, rõ ràng vẫn còn những trở ngại đối với các nạn nhân trong việc tố giác hành vi quấy rối tình dục, trong đó một phần do sợ bị trả thù hoặc mặc định rằng các đối tượng "yêu râu xanh" sẽ không bị trừng phạt.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương như nhân viên cấp dưới trẻ tuổi và nhân viên hợp đồng ngắn hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.