Báo động nguy cơ chuồn chuồn tuyệt chủng do môi trường sống bị đe dọa

Hoạt động mở rộng đất nông nghiệp và đô thị hóa đã hủy hoại và thu hẹp môi trường sinh sản của chuồn chuồn như các đầm lầy, sông suối tự nhiên, khiến ít nhất 16% loài này có nguy cơ tuyệt chủng.
Báo động nguy cơ chuồn chuồn tuyệt chủng do môi trường sống bị đe dọa ảnh 1Đầm lầy - môi trường sống của nhiều loài chuồn chuồn đang bị đe dọa. (Ảnh: Alamy)

Các vùng đất ngập nước - môi trường sống của các loài chuồn chuồn - bị hủy hoại đang đe dọa trực tiếp sự sinh tồn của loài này.

Theo một báo cáo của Liên đoàn quốc tế về bảo tồn tự nhiên (IUCN) công bố ngày 9/12, ít nhất 16% trong số 6.016 loài chuồn chuồn hiện còn lại trên thế giới có nguy cơ tuyệt chủng. 

Đây là báo cáo đầu tiên đánh giá về tác động của môi trường đối với sự sống của chuồn chuồn.

Báo cáo nêu rõ hoạt động mở rộng đất nông nghiệp và đô thị hóa trên toàn cầu đã hủy hoại và thu hẹp môi trường sinh sản của chuồn chuồn như các đầm lầy, sông suối tự nhiên. Điều này đã khiến số lượng chuồn chuồn suy giảm.

Bà Craig Hilton-Taylor, người đứng đầu bộ phận lập "Danh sách Đỏ" các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng của IUCN cho rằng số loài chuồn chuồn đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trên thực tế có thể lên tới 40%, cao hơn nhiều so với con số 16% nêu trong báo cáo.

Thông qua báo cáo này cùng với  "Danh sách Đỏ" cập nhật các loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng trên thế giới, Tổng Giám đốc IUCN Bruno Oberle nhấn mạnh sự cấp thiết bảo vệ vùng đất ngập nước trên thế giới và môi trường trú ngụ và sinh sản của chuồn chuồn.

Ông cảnh báo đất ngập nước đang có tốc độ biến mất nhanh gấp 3 lần so với đất rừng.

[Nguy cơ tuyệt chủng các loài động, thực vật bản địa ở Australia]

Hội nghị về đất ngập nước Ramsar năm 2019 từng công bố báo cáo cho biết 35% đất ngập nước, trong đó có sông, hồ, đầm lầy, đất than bùn cũng như các vùng sinh thái biển như đầm phá, rừng ngập mặn, rạn san hô hay biển, đã bị mất đi trong khoảng thời gian từ năm 1970 và 2015.

Đất ngập nước có giá trị rất đặc biệt vì có khả năng lưu giữ carbon, ngăn chặn lũ lụt và cung cấp môi trường sống cho 1/10 số loài động vật được biết đến trên thế giới.

Do đó, việc bảo vệ hệ sinh thái này là vấn đề cấp bách toàn cầu vì môi trường sống của các loài động vật và con người./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục