Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong những năm gần đây đã góp phần không nhỏ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, việc một số doanh nghiệp khai thác không đúng với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt cùng với việc thiếu kiểm tra, xử lý quyết liệt của cơ quan chức năng đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường.
Sông Nậm Tôn chảy qua huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An bị bức tử trong nhiều năm là ví dụ điển hình về tình trạng trên. Nguồn nước bị ô nhiễm, không thể sử dụng vào sản xuất cũng như sinh hoạt khiến cuộc sống hàng nghìn hộ dân bị đảo lộn.
Bài 1: Dòng sông “chết”
Đục ngầu, đỏ quạch là hình ảnh tồn tại từ nhiều năm nay của sông Nậm Tôn. Với chiều dài hàng chục km, chảy qua các xã Liên Hợp, Châu Quang, thị trấn Quỳ Hợp, sông Nậm Tôn từng là nguồn sống cho hàng nghìn người dân quanh vùng. Thế nhưng giờ đây nguồn nước bị ô nhiễm nặng khiến người dân còn không dám lội xuống sông.
Nhiều hệ lụy
Được người dân địa phương chỉ dẫn, phóng viên tìm về khu vực hợp lưu giữa sông Nậm Huống và sông Nậm Tôn thuộc thị trấn Quỳ Hợp.
Khác với nguồn nước trong xanh của sông Nậm Huống, nước sông Nậm Tôn lại đục ngầu, đỏ quạch. Bùn lỏng lắng đọng hai bên bờ tạo thành một lớp dày vài cm. Sau khi nhập với sông Huống, dòng nước đỏ này còn kéo dài xuống sông Nậm Choọng trước khi chảy về sông Dinh.
Ông Quán Vi Cường, xóm Bản Còn, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, cho biết trước đây nước từ sông rất xanh trong, người dân địa phương thường sử dụng trực tiếp. Thế nhưng từ nhiều năm nay nước sông ô nhiễm nặng, đỏ ngầu, không thể sử dụng.
Nhiều diện tích lúa của người dân hai bên bờ sông buộc phải chuyển đổi sang trồng các loại cây khác vì không thể sử dụng nguồn nước này để tưới. Bản thân gia đình ông Cường cũng có 2 sào đất lúa phải chuyển sang trồng mía.
Theo ông Nguyễn Viết Xuân, xóm Bản Ca, xã Châu Quang, sông Nậm Tôn bắt nguồn từ các xã Châu Tiến, Châu Hồng chảy về nhưng đã bị ô nhiễm từ những năm 80 của thế kỷ trước do hoạt động khai thác khoáng sản ở thượng nguồn.
Nguồn nước bị ô nhiễm nên người dân không thể dùng sản xuất hay sinh hoạt. Vào mùa mưa, nước đỡ đục hơn chút ít. Để có nguồn nước sinh hoạt, hầu như gia đình nào cũng phải đào giếng, rất tốn kém. Bản thân gia đình ông đã bỏ ra hơn 8 triệu đồng đào giếng sâu 14m để lấy nước.
Lần theo sông Nậm Tôn về phía thượng nguồn, nước sông này càng đục hơn, lượng bùn lắng đọng lại cũng dày hơn. Tại xã Liên Hợp - nơi phát lộ của sông Nậm Tôn, nguồn nước chảy ra từ một hang động lớn rộng hơn 10m.
[Nhiều bất cập trong quản lý, khai thác khoáng sản ở Bà Rịa-Vũng Tàu]
Dưới sông bùn lỏng, đỏ quạch được tích tụ qua nhiều năm có nơi dày hơn 1 mét, hầu như không có loại cá nào sống được. Điều đáng nói là dù nguồn nước ô nhiễm từ lâu nhưng đến nay người dân địa phương vẫn chưa được cơ quan chức năng cung cấp cho bất cứ thông tin về các chỉ số ô nhiễm.
Ông Lô Viết Quý, xóm Duộc, xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp, cho hay nguồn nước từ sông Nậm Tôn bị ô nhiễm hàng chục năm nay.
Người dân không còn dùng vào sản xuất hay sinh hoạt, trâu bò thả rông hay uống nước này thường còi cọc rồi chết dần. Năm 2021 trong xóm đã có 3 con bò bị chết. Trâu bò khi giết thịt thì gan, lách nổi u cục, ruột nhiều cát nên người dân đều vứt bỏ.
Giật mình những chỉ số ô nhiễm
Để theo dõi sự thay đổi về môi trường tại khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản, tỉnh Nghệ An đã đặt một điểm quan trắc tại cầu Nậm Tôn, thị trấn Quỳ Hợp.
Mỗi năm Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An thực hiện quan trắc nguồn nước mặt 6 lần vào các tháng 1,3,5,7,9 và 11, riêng trầm tích quan trắc 2 lần/năm (từ năm 2021).
Theo ông Lê Sỹ Hào - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp, chỉ khi nào kết quả quan trắc có “vấn đề” Sở mới gửi kết quả cho địa phương còn từ trước đến nay địa phương không nhận được kết quả quan trắc ô nhiễm.
Dù vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, chính quyền địa phương đã khuyến cáo bà con không sử dụng nguồn nước này.
Để tìm hiểu rõ hơn chất lượng nguồn nước trên sông Nậm Tôn, phóng viên đã liên hệ làm việc với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An.
Theo số liệu được cung cấp, trong 5 năm trở lại đây, mẫu nước lấy từ sông Nậm Tôn có chỉ số TSS (hàm lượng chất rắn lơ lửng) luôn vượt Quy chuẩn Việt Nam và có xu hướng ngày càng tăng.
Ông Đinh Sỹ Khánh Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, cho biết từ năm 2017-2021, mẫu nước lấy từ điểm quan trắc trên sông Nậm Tôn có độ đục khá cao, chỉ số TSS nhiều lần vượt Quy chuẩn Việt Nam.
Cụ thể năm 2017 chỉ số TSS vượt quy chuẩn từ 2,4-3,3 lần, năm 2018 vượt từ 1,63-4,73 lần, năm 2019 vượt từ 1,43-10,86 lần.
Đặc biệt năm 2020, chỉ số TSS xuất hiện trong đợt 3 đạt 808mg/l, trong khi theo Quy chuẩn Việt Nam là 30mg/l (vượt 26,93 lần). Năm 2022, do chưa hoàn thành các thủ tục nên đơn vị chưa thực hiện việc lấy mẫu quan trắc.
Trong mẫu trầm tích cũng được đơn vị này quan trắc lần đầu tiên vào năm 2021 thì chỉ số Asen là hơn 157mg/kg trong khi theo Quy chuẩn Việt Nam là 17mg/kg (vượt 9,28 lần), chỉ số thủy ngân Hg vượt 1,01 lần.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dòng nước chảy từ đầu nguồn sông Nậm Tôn đến địa điểm cầu Nậm Tôn thuộc thị trấn Quỳ Hợp đã trải qua một quãng đường khá dài, có sự hợp lưu của nhiều con suối nhỏ.
Bên cạnh đó, dòng sông này khi chảy qua địa phận thuộc xã Châu Quang đã được ngăn lại bởi một đập tràn thủy lợi, nguồn nước được lắng đọng nhiều nên mức độ ô nhiễm tại điểm quan trắc đã giảm đi.
Theo người dân địa phương, sông Nậm Tôn kéo dài hàng chục km và bị ô nhiễm nặng nề trong nhiều năm liền trong khi cơ quan chức năng mới chỉ đặt một điểm quan trắc ở hạ lưu là chưa hợp lý.
Những con số biết nói cho thấy thực trạng đáng báo động về ô nhiễm môi trường trên sông Nậm Tôn. Thế nhưng người dân địa phương vẫn đang thiếu thông tin ô nhiễm của dòng sông từ các cơ quan chức năng.
Thiết nghĩ, chính quyền các cấp cần mở rộng hơn nữa các địa điểm quan trắc và công bố rộng rãi các chỉ số ô nhiễm môi trường (nếu có). Đồng thời, tuyên truyền và hướng dẫn người dân cách sử dụng nguồn nước để không ảnh hưởng đến sức khỏe./.
Bài 2: Để sông Nậm Tôn hồi sinh