Chiến lược tạo dựng môi trường học tập an toàn ở trường cho học sinh

Báo động tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn Thanh Hóa

Trước thực trạng bạo lực học đường gia tăng, ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng mô hình trường học an toàn, lồng ghép tuyên truyền các nội dung về phòng chống bạo lực học đường cho học sinh.
Báo động tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn Thanh Hóa ảnh 1Một vở kịch ngắn tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường. Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Các vụ bạo lực lứa tuổi học đường đang có chiều hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đáng quan tâm là yếu tố từ bản thân học sinh. Do sự thay đổi về tâm, sinh lý lứa tuổi nên các em luôn muốn khẳng định mình, dễ dẫn đến thiếu kiềm chế và có những hành vi thiếu kiểm soát bản thân.

Bên cạnh việc giảng dạy kiến thức, các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang chú trọng hơn đến việc dạy kỹ năng sống, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh, để giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh.

Sự việc nam sinh dùng dao đâm bạn ngay tại lớp học xảy ra tại Trường Trung học Cơ sở Thọ Sơn, huyện Triệu Sơn vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của học sinh và giáo viên.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã ra quyết định tạm đình chỉ 1 năm học đối với học sinh mang hung khí đến trường hành hung bạn dẫn đến thương tích nặng.

Ông Nguyễn Thọ Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Thọ Sơn, cho biết sau sự việc đáng tiếc lần này, qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, nhà trường đã trấn an tinh thần và tâm lý của học sinh để các em yên tâm học tập.

Nhà trường cũng quán triệt tới giáo viên chủ nhiệm quan tâm, sâu sát tới học sinh và nắm bắt tâm lý, mâu thuẫn trong lớp để có hướng xử lý kịp thời, tránh xảy ra sự việc tương tự.

[Bạo lực học đường - cần thêm những liều thuốc trị tận gốc]

Theo ông Nguyễn Văn Cận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Triệu Sơn, để hạn chế bạo lực, các trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, vui vẻ, tích cực để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc.

Giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm phải có sự gần gũi với học sinh để hiểu tính cách của từng em cũng như các mối quan hệ trong, ngoài lớp từ đó kịp thời phát hiện, uốn nắn, hỗ trợ các em giải quyết các mâu thuẫn khi mới phát sinh, tránh nguy cơ xảy ra bạo lực học đường không đáng có.

Ngành giáo dục cũng thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của Sở đến từng nhà trường để thực hiện; chủ động lên kế hoạch đầu mối phối hợp với Huyện đoàn, Công an…tổ chức các buổi sinh hoạt dưới cờ có lồng ghép các nội dung tuyên truyền về bạo lực học đường để nâng cao nhận thức của học sinh.

Mặc dù thời gian gần đây chưa xảy ra các vụ xô xát, mâu thuẫn nhưng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về bạo lực học đường luôn được Ban Giám hiệu Trường Trung học Cơ sở Quảng Tiến (thành phố Sầm Sơn) đặc biệt quan tâm.

Ngoài việc dạy kiến thức cho học sinh, nhà trường chú trọng hơn đến việc dạy kỹ năng sống, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh, giải quyết những mâu thuẫn nhỏ phát sinh.

Bên cạnh đó, trường đã lắp gần 20 camera giám sát tất cả khu vực để hạn chế tình trạng học sinh xô xát, mâu thuẫn đánh nhau ở những góc khuất. Nhà trường có hộp thư thoại, đường dây nóng kết nối với học sinh; phối hợp với lực lượng Công an thành phố tuyên truyền, răn đe và xử lý các hành vi bạo lực xảy ra.

Ông Nguyễn Sỹ Thuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn cho biết xây dựng mô hình trường học an toàn, qua các buổi học ngoại khóa, giáo dục công dân, sinh hoạt dưới cờ, nhà trường đều lồng ghép tuyên truyền các nội dung về bạo lực học đường để các em có thêm kỹ năng giải quyết mâu thuẫn.

Giáo viên chủ nhiệm quan tâm nắm bắt tâm lý để lập danh sách học sinh có khả năng gây bạo lực và học sinh có thể bị bạo lực để thường xuyên lưu tâm. Ngoài sự quản lý của nhà trường, các bậc phụ huynh cũng cần quản lý sát sao giờ giấc của con mình.

Cùng với đó, gia đình cần tăng cường kiểm soát, loại bỏ các kênh thông tin, phim, ảnh, game có nội dung bạo lực, độc hại, thay vào đó là những câu chuyện, bài học về tấm gương sáng, nhân tố tích cực trong trường học, cộng đồng để các em noi theo.

Theo bà Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, ngay từ đầu năm học, Sở đã có nhiều văn bản chỉ đạo gửi đến các đơn vị trường về công tác chấn chỉnh, ngăn ngừa tình trạng gây gổ, đánh nhau giữa học sinh.

Ngành cũng đề nghị các phòng giáo dục, đơn vị trường học cử cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn công tác phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục đối với trẻ em.

Các trường thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, kỹ năng cho học sinh; thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học; các giải pháp đảm bảo an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.

Ngành cũng yêu cầu các cán bộ, giáo viên trong các trường tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc theo dõi, quản lý, kịp thời phát hiện những trường hợp có dấu hiệu bạo lực lứa tuổi học đường.

Bạo lực lứa tuổi học đường luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội, cần được các cấp chính quyền, sở ngành quan tâm vào cuộc hơn nữa để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, quản lý xã hội. Qua đó, góp phần phòng ngừa ngăn chặn từ sớm, từ xa đối với các nguy cơ dẫn đến bạo lực lứa tuổi học đường./.

Bài 1: Liên tiếp các vụ việc đau lòng do bạo lực học đường

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục