Báo động tình trạng mất đa dạng sinh học trên thế giới

Việc con người đang phung phí tài nguyên thiên nhiên đã đẩy khoảng 1 triệu loài động vật và thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái Đất đến bên bờ vực tuyệt chủng.
Khoảng rừng bị chặt phá ở khu vực Tây Amazon, Brazil, ngày 22/9/2017. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Khoảng rừng bị chặt phá ở khu vực Tây Amazon, Brazil, ngày 22/9/2017. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Việc con người đang phung phí tài nguyên thiên nhiên - vốn giúp mang lại sự thịnh vượng cho xã hội, đã đẩy khoảng 1 triệu loài động vật và thực vật trong tổng số 8 triệu loài trên Trái Đất đến bên bờ vực tuyệt chủng. 

Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo của Ủy ban liên chính phủ Liên hợp quốc về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES), gồm hơn 130 quốc gia, về tác động của nền văn minh hiện đại đối với thế giới tự nhiên.

Báo cáo trên được công bố ngày 7/5, sau 5 ngày thảo luận căng thẳng trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 7 của IPBES tại thủ đô Paris, Pháp.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, bản báo cáo này của IPBES dày 1.800 trang, là kết quả nhiều năm nghiên cứu của 455 nhà khoa học đối với trên 15.000 nguồn tài liệu.

Báo cáo nhấn mạnh việc tàn phá và hủy hoại không thương tiếc những tài nguyên mà "mẹ" Trái Đất ban tặng, trong đó có nước, các loài động vật hoang dã, không khí, đất và rừng, đang đe dọa xã hội không khác gì biến đổi khí hậu.

[Lời cảnh báo về một thảm họa tuyệt chủng trên Trái Đất]

Nói như ông Robert Watson, chủ trì phiên họp của IPBES, thì con người đang hủy hoại rất nhiều cơ sở của nền kinh tế, kế sinh nhai, an ninh lương thực, sức khỏe và chất lượng sống trên toàn thế giới.

Vì vậy đã đến lúc các chính phủ cần phải cân nhắc thấu đáo, đưa tầm nhìn vượt qua các mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).Báo cáo trên chỉ rõ tốc độ tuyệt chủng của các loài đang gia tăng nhanh chóng, cao gấp từ 10-100 lần so với 10 triệu năm trước, đẩy Trái Đất đến nguy cơ rơi vào thời kỳ tuyệt chủng lớn nhất kể từ khi các loài khủng long không cánh biến mất trên hành tinh 66 triệu năm trước.

Trong số các loài đang trong tình trạng bị đe dọa có tới 25% loài động vật có vú và 39% động vật có vú sống ở biển; 41% động vật lưỡng cư; 19% loài bò sát; 13% loài chim; 7% loài cá; 31% cá đuối và cá mập; 33% rạn san hô; 27% động vật giáp xác; từ 16% đến 63% thuộc về các loài thực vật.

IPBES xác định 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên gồm sự biến mất của môi trường tự nhiên; khai thác quá mức; biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, các sản phẩm nhựa... và các loài xâm lấn.

Theo báo cáo trên, đô thị hóa, phá rừng, phát triển nông nghiệp là những nguyên nhân chính khiến gần 75% môi trường mặt đất hiện nay bị biến đổi nghiêm trọng, làm các loài và hệ sinh thái suy giảm.

Theo đó, hệ thực vật mà thiên nhiên ban tặng đang ngày một nghèo đi, đa dạng sinh học trong các cánh rừng nhiệt đới đang bị thu hẹp. Trên thực tế, 85% vùng đất ngập nước đã bị phá hủy kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu cũng đẩy hàng nghìn loài động vật và thực vật ra khỏi môi trường sống của chúng. Các đợt nắng nóng, hạn hán gia tăng đã khiến nhiều nước phải hứng chịu hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng như ở Australia, Indonesia, Nga, Bồ Đào Nha, Mỹ và Hy Lạp.

Không chỉ vậy, các đại biểu tham dự phiên họp IPBES cũng cho rằng chính sự hủy hoại đa dạng sinh học đang gây ảnh hưởng đến khả năng thích ứng của con người với các tác động của biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy, báo cáo cho rằng các chính phủ cần hợp lực nhằm ngăn chặn và thay đổi các xu hướng đang hủy hoại thế giới tự nhiên. Hiện các chuyên gia của IPBES đang đưa ra lộ trình đầu tiên liên quan đến phát triển bền vững trong nông nghiệp, cũng như việc chống lãng phí thực phẩm, đề cao vai trò của người dân bản địa, cải thiện hợp tác với người dân thông qua các thỏa thuận đồng quản lý tài nguyên.

Tình trạng biến đổi khí hậu - dù không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng các loài động thực vật, song tác động của nó được dự báo sẽ tăng lên trong những năm tới.

Do vậy, chính phủ các nước cần hành động nhanh chóng, cân bằng giữa việc sử dụng đất để nuôi sống và cung cấp năng lượng, với việc bảo vệ đa dạng sinh học.

Các đại biểu tham dự phiên họp IPBES khẳng định cuộc họp của Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2020 tại Trung Quốc sẽ là cơ sở quan trọng để kiểm chứng ý chí chính trị của các nước trong việc bắt đầu thay đổi thói quen, hành vi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục