Báo cáo do Tổ chức WaterAid và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 22/5 cho biết hơn 1/3 trẻ em gái ở Nam Á phải nghỉ học trong thời gian có kinh nguyệt. Thiếu nhà vệ sinh và những điều cấm kỵ về văn hóa là những nguyên nhân cản trở việc học tập của những bé gái.
Theo báo cáo trên, nhiều trẻ em gái ở các nước Nam Á, trong đó 2/3 là ở Sri Lanka, không có kiến thức về kinh nguyệt trước khi bước vào giai đoạn dậy thì. Nhiều trường học tại khu vực có hơn 1,7 tỷ dân này không đủ nhà vệ sinh riêng cho học sinh nữ.
Ngoài ra, trẻ em gái đang trong thời kỳ kinh nguyệt không được sử dụng các loại băng vệ sinh phù hợp đã khiến các em lựa chọn giải pháp ở nhà trong kỳ "đèn đỏ."
[Ấn Độ: 240.000 bé gái tử vong do định kiến "trọng nam khinh nữ"]
Báo cáo trên cũng cho biết tại một khu vực ở miền Đông Nepal, có đến 170 trẻ em gái phải sử dụng chung một nhà vệ sinh. Tỷ lệ này quá cao so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định 25 trẻ em gái/1 nhà vệ sinh. Không chỉ ở Nepal, các quốc gia khác ở Nam Á cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn này của WHO.
Tim Wainwright, Giám đốc điều hành WaterAid, kêu gọi các nước cần bảo đảm mỗi trường học đều có đủ nước sạch và nhà vệ sinh sạch sẽ vì trẻ em gái có quyền được học tập, không thể bị gián đoạn chỉ vì ở trường thiếu nhà vệ sinh.
Trong khi đó, tại nhiều nơi ở Nam Á, khi phụ nữ có kinh nguyệt sẽ bị coi là "bẩn" và bị hạn chế trong nhiều hoạt động, cách ăn ở và thói quen ăn uống trong thời gian này. Tại Afghanistan, phần lớn con gái không tắm trong kỳ kinh vì sợ vô sinh.
Theo tục lệ ở miền Tây Nepal, phụ nữ khi có kinh nguyệt phải ngủ ở ngoài lều trại tạm bợ cách xa ngôi nhà họ./.