Báo Đức Tấm gương (The Bildt) ngày 11/7 dẫn nguồn trong cơ quan an ninh Đức đưa tin Văn phòng Thủ tướng Đức, đơn vị quản lý các cơ quan tình báo nước này, đã chỉ thị cho tất cả các cơ quan an ninh Đức hạn chế hợp tác với đối tác Mỹ sau vụ phát hiện điệp viên "hai mang."
Theo chỉ thị mới, tới đây hợp tác giữa cơ quan an ninh hai nước sẽ giảm xuống mức tối thiểu, có nghĩa là chỉ giới hạn trong các vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích an ninh của Đức, như ngăn chặn các mối đe dọa đối với quân nhân Đức đang tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Afghanistan và các nước khác, cũng như đấu tranh chống khủng bố.
Tờ báo trên đánh giá đây là phản ứng trực tiếp đối với các vụ phát hiện nhân viên an ninh Đức hoạt động cho Mỹ trong thời gian gần đây, dẫn đến việc Đức trục xuất Trưởng đại diện Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin.
Ngày 10/7, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Ernest tuyên bố cơ quan an ninh Mỹ và Đức vẫn tiếp tục trao đổi thông tin, bất chấp vụ trục xuất trên.
Ông Ernets cho biết hai bên vẫn duy trì các kênh tiếp xúc nội vụ, ngoại giao và kể cả tình báo, đồng thời thảo luận các khả năng giải quyết vụ gián điệp "hai mang."
Đại diện Nhà Trắng cũng khẳng định giữa Berlin và Washington là quan hệ quan trọng, hiện hữu trong lĩnh vực đảm bảo an ninh quốc gia và trao đổi thông tin tình báo.
Bên cạnh đó, ông Ernets từ chối bình luận về phản ứng có thể tiếp theo của Nhà Trắng trước vụ Đức trục xuất nhân viên tình báo Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong hai ngày qua, Giám đốc CIA John Brennan và Đại sứ Mỹ tại Đức John Emerson đã nhiều lần liên lạc với giới chức Chính phủ Đức nhằm giảm thiểu những tổn hại có thể gây ra cho quan hệ song phương.
Tuy nhiên, phía Đức muốn một câu trả lời rõ ràng, đồng thời yêu cầu Washington nhanh chóng làm rõ những cáo buộc cài gián điệp vào Cơ quan Tình báo nước ngoài (BND) và Bộ Quốc phòng Đức.
Quyết định "đề nghị" đại diện CIA rời khỏi Đức được đưa ra khi Washington vẫn lần lữa vòng vo và cũng không đưa ra lời xin lỗi Đức vì những cáo buộc trên.
Đây có thể coi là sự kiện gây chấn động quan hệ giữa Đức và Mỹ, bởi Chính phủ Đức trước nay vẫn tương đối dè dặt về những biện pháp cứng rắn với Mỹ, bất chấp hàng loạt vụ bê bối như nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel, thu thập dữ liệu công dân Đức và gần đây nhất là phát hiện các nhân viên an ninh của mình làm việc cho tình báo Mỹ.
Quyết định trục xuất đại diện CIA cùng hàng loạt vụ bê bối tình báo xảy ra gần đây liên quan Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) có nguy cơ dẫn tới cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai quốc gia đồng minh./.