Mới đây, trường hợp quản lý và bảo mẫu trường mần non tư thục tại quận Thủ Đức hành hạ trẻ em gây phẫn nộ trong dư luận đã bị bắt và truy tố. Thế nhưng qua kiểm tra, thân thể các em không bị thương tích nên chỉ có thể truy tố tội danh hành hạ người khác.
Mặc dù không bị hành hạ nghiêm trọng về mặt thể xác nhưng những tổn thương về tâm lý của các em bị bạo hành, xâm hại là những thương tích không thể giám định cụ thể và không được quy định trong luật khiến những hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em không bị trừng trị thích đáng.
Không thể chờ giám định thương tích 11%
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, đối với các hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em không thể áp dụng quy định phải giám định tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên mới phạt tù như theo Luật Hình sự hiện nay.
“Trẻ em không có khả năng tránh đòn tự bảo vệ, phản kháng lại khi bị đánh nên không thể áp dụng mức tỷ lệ thương tật 11%. Chưa kể, những hành vi bạo hành, xâm hại đối với trẻ em có thể không để lại thương tích nhưng lại có những sang chấn tinh thần dẫn tới những hậu quả về sau mà không thể đo đếm cụ thể được,” Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.
Đồng tình với quan điểm này, tiến sỹ Đỗ Thị Ngọc Phương, Phó Viện trưởng Viện Dân số, gia đình và trẻ em cho rằng, trẻ em không thể tự vệ khi bị bạo hành và các dấu hiệu bị bạo hành cũng khó nhận biết được ở trẻ em, nhất là những sang chấn về tinh thần nên cần quy định cụ thể hơn về các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em chứ không nên dựa trên tỷ lệ thương tích. Việc tuyển dụng giáo viên mầm non tại các trường tư thục cũng chưa được quan tâm và quản lý chặt chẽ tạo nên những kẽ hở trong quản lý.
Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, những quy định cụ thể về các hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em về thể xác và tinh thần phải được nêu rõ trong Luật bảo vệ, chăm sóc trẻ em sẽ sửa đổi trong thời gian tới để có thể nghiêm trị những hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em dưới mọi hình thức.
Đối với việc quy định chi tiết về hành vi vi phạm quyền trẻ em, theo Tiến sỹ Đỗ Thị Ngọc Phương, vì trẻ em là đối tượng cần phải quan tâm đặc biệt nên luật cần bổ sung hành vi sao nhãng để đảm bảo nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em tại nhà trường và gia đình được thực hiện tốt hơn.
Thực tế cho thấy, việc thiếu một cơ chế giám sát, hỗ trợ dẫn tới việc trẻ em phải đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Tại trường học, nơi những dấu hiệu bạo lực dễ nhận biết lại không có biên chế cho cán bộ công tác xã hội làm việc tại đây. Các chuyên gia lo ngại rằng chính vì không phòng ngừa, tố cáo kịp thời nên những hành vi xâm hại, bạo lực dễ xảy ra và gây hậu quả nghiêm trọng.
Bắt buộc phải tố cáo bạo hành trẻ em
Không thể khẳng định bạo lực đối với trẻ em gia tăng trong thời gian gần đây nhưng các chuyên gia về chăm sóc và bảo vệ trẻ em cho rằng việc tố cáo, thông báo về các hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em ngày càng tăng cho thấy sự quan tâm của xã hội với trẻ em.
Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ Trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho biết, vấn đề trẻ em bị bạo hành, xâm hại đang được báo cáo nhiều hơn. Thế nhưng, hiện nay lại chưa có một cơ quan nào của Chính phủ chuyên tiếp nhận và xử lý những thông tin phản ánh này.