Trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Việc làm trong quá trình hội nhập” diễn ra tại Hà Nội sáng 31/3, vấn đề bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động nhận được sự quan tâm đặc biệt, bởi trong quá trình hội nhập, một bộ phận người lao động sẽ rơi vào cảnh mất việc do không đáp ứng được nhu cầu.
Tại buổi giao lưu, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp quả quyết, người lao động Việt Nam cần không ngừng trau dồi, tu nghiệp, bởi tuổi đời lao động của mỗi cá nhân là rất dài mà nhu cầu lao động của thị trường lại luôn biến động. Có rất nhiều công việc từng rất thịnh hành trong quá khứ nhưng hiện nay lại không còn nữa, điều này đòi hỏi mỗi cá nhân cần không ngừng học hỏi để sẵn sàng thích nghi.
Thực tế hiện nay lại có một tỷ lệ không nhỏ những người lao động không có việc làm khi tham gia chế độ bảo hiểm thất nghiệp lại chỉ quan tâm tới tiền trợ cấp thất nghiệp mà quên mất rằng mình còn có quyền được giới thiệu việc làm và học nghề miễn phí, giá trị cốt lõi của chính sách này.
Nguyên nhân chính của tình trạng này, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp là do nhận thức của người lao động còn chưa toàn diện, nhiều người chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia và hưởng bảo hiểm thất nghiệp; thu nhập chưa cao, áp lực lớn để lo cho gia đình.
Bên cạnh những nguyên nhân đã nêu, còn một vài nguyên nhân khác khiến tỷ lệ người thất nghiệp tham gia học nghề chưa cao như: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Việt Nam khá cao (trên 55% lực lượng lao động) nên khi thất nghiệp không có nhu cầu học nghề mới.
Người lao động nghỉ việc có xu hướng chuyển về địa phương mình để tìm việc làm mới nhằm giảm chi phí sinh hoạt, hợp lý hóa gia đình nên không có nhu cầu học nghề; Xu hướng nghỉ việc về làm nông nghiệp hoặc tự tạo việc làm (mở tạp hóa, buôn bán nhỏ…).
Một bộ phận lao động lớn tuổi, vì lý do sức khỏe hay trở về quê làm nông nghiệp hoặc nội trợ nên không có nhu cầu học nghề; Người lao động ít có cơ hội lựa chọn nghề vì cơ sở dạy nghề chưa phong phú, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu, chưa hỗ trợ tiền ăn, đi lại trong thời gian học nghề.
Hiện nay, có những khó khăn lớn mà cơ quan chức năng phải đối mặt khi triển khai thực hiện bảo hiểm. Đó là các doanh nghiệp phần lớn chưa thực hiện thông báo định kỳ về tình hình biến động lao động theo quy định nên cơ quan chức năng không cập nhật được số liệu về tình hình lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn về kinh tế nên xảy ra tình trạng chậm đóng và nợ bảo hiểm thất nghiệp.
Để giải những vấn đề trên và giúp người lao động sử dụng hiệu quả bảo hiểm thất nghiệp, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp về tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp nói chung và tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề nói riêng cũng như cải cách trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ học nghề để tăng cường hơn nữa công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Ông Doãn Mậu Diệp cũng khuyên người lao động cần tỉnh táo, sẵn sàng trao đổi, thương lượng với nhà tuyển dụng trước khi ký hợp đồng lao động để đảm bảo quyền lợi cho mình./.