Bảo hiểm xã hội như 'của để dành' cho người lao động khi về hưu

Bảo hiểm xã hội như "của để dành" mà Nhà nước dành cho người lao động, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động.
Nơi tiếp nhận hồ sơ thu Bảo hiểm xã hội. (Nguồn: TTXVN)

Đánh giá Bảo hiểm xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một trong những trụ cột an sinh xã hội của quốc gia, đa số ý kiến của Đại biểu Quốc hội cho rằng vẫn còn những vấn đề đáng quan tâm, trong đó số người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững phát triển Bảo hiểm xã hội.

Nên rút ngắn thời gian đóng Bảo hiểm xã hội

Theo Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đại biểu Đoàn Quốc hội Hòa Bình), năm 2020 do ảnh hưởng của dịch tác động mọi mặt đến đời sống xã hội, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, người lao động mất việc làm đã ảnh hưởng đến việc tham gia đóng Bảo hiểm xã hội.

Đánh giá năm 2021 việc thu Bảo hiểm xã hội bắt buộc gặp nhiều khó khăn, nhiều lao động ở các doanh nghiệp gặp khó nên không thể đóng bảo hiểm, bà Ngọc đề nghị Chính phủ có báo cáo phân tích đánh giá đầy đủ nguyên nhân đồng bộ trong việc đối tượng tham gia bắt buộc.

Đưa ra con số tiền nợ, chậm đóng Bảo hiểm xã hội là 15.129 tỷ đồng, trong đó nợ gốc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 12.113 tỷ đồng (tăng 2.013 tỷ đồng so với 2019), nợ lãi chậm đóng là 3.016 tỷ đồng (chiếm gần 20% tổng số nợ), bà Ngọc cho rằng Chính phủ cần công khai doanh nghiệp, người lao động hay chủ thể sử dụng lao động chậm nộp Bảo hiểm xã hội, thu hồi nợ đọng và kiểm tra, giám sát đồng thời có chế tài nghiêm khắc để thực hiện nghiêm việc đóng bảo hiểm xã hội hiện nay.

Đại biểu Phạm Đình Khang (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) cho biết số người tham gia Bảo hiểm xã hội mặc dù có tăng (tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là 16,1 triệu người, tăng thêm 2,6% so với năm 2019) nhưng số người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm tự nguyện giảm (giảm 1% so với năm 2019), số tiền chậm đóng Bảo hiểm xã hội tiếp tục tăng so với năm 2019.

[Giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp]

Nguyên nhân được Đại biểu Khang chỉ ra là do số người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng đã ảnh hưởng không nhỏ khả năng phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc trong năm 2020.

Mặt khác, ông Khang đánh giá do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn đến tình trạng chậm đóng, tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội tăng cao. Trong khi đó, nhận thức của một số người lao động và người sử dụng lao động trong việc tham gia Bảo hiểm xã hội vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các doanh nghiệp nhỏ.

Có góc nhìn khác, Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) nhìn nhận, số người tham gia Bảo hiểm tự nguyện tuy có tăng (hết năm 2020 có 1,12 triệu người, tăng hơn 2 lần so với năm 2019) nhưng mức đóng không cao chủ yếu là mức đóng chuẩn nghèo nông thông (700.000 đồng/tháng) mới đạt 21,3%. Nguyên nhân là do quy định về chính sách chưa đủ sức hút người tham gia, thời gian đóng dài (20 năm), chưa cạnh tranh được với các loại bảo hiểm thương mại.

“Dư địa từ lĩnh vực Bảo hiểm xã hội tự nguyện này rất lớn, do đó cần sớm xem xét quy định rút ngắn thời gian để thúc người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện,” Đại biểu Hải Anh kiến nghị.

Đồng tình quan điểm này, Đoàn Thị Lê An (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh) Cao Bằng kiến nghị giảm thời gian đóng Bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm nhằm tạo điều kiện cho người tham gia đóng.

Cẩn trọng với "lợi trước mắt, hại lâu dài"

Theo Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương), năm 2020 số người tham gia Bảo hiểm xã hội tăng nhưng số lượng đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc lại giảm, đặc biệt số người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2020 tăng cao tập trung từ 20-40 tuổi (chiếm 80,9% ). Dự báo có thể số người hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.

“Bảo hiểm xã hội như ‘của để dành’ mà Nhà nước dành cho người lao động, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho họ khi hết tuổi lao động. Khi nhận Bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội. Hầu hết những trường hợp sẽ không tích lũy đủ thời gian đóng Bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu hoặc nếu đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp vì thời gian đóng Bảo hiểm xã hội ngắn nên khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tạo áp lực lên xã hội và gia đình,” Đại biểu Sơn phân tích sâu hơn.

Ông nhấn mạnh người lao động lựa chọn hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bản thân mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân như Hiến pháp đã quy định.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bên cạnh đó, việc nhận Bảo hiểm xã hội một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài” bởi khi lựa chọn hưởng Bảo hiểm xã hội một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu như chi trả về Bảo hiểm y tế, điều chỉnh lương hưu định kỳ, chế độ tử tuất… Nhiều người hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội một lần khiến độ bao phủ an sinh xã hội của Nhà nước bị giảm, đi ngược lại xu thế xã hội văn minh là đảm bảo an sinh cho mọi người dân.

[Xác định rõ đối tượng hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp]

Từ thực trạng trên, Đại biểu Sơn đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng Bảo hiểm xã hội một lần theo tinh thần Nghị quyết 28 đề ra trong đó hướng đến mục tiêu bao phủ Bảo hiểm xã hội toàn dân; sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần; điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ Bảo hiểm xã hội để đạt mục tiêu mở.

Về Quỹ bảo hiểm y tế, Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị tăng cường thanh kiểm tra quỹ này nhằm tránh tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế ở các cơ sở y tế trong thời gian qua.

“Nhiều vụ việc lập khống hồ sơ để hưởng, dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp nhưng đã qua đỉnh dịch và hiện nay số người nằm viện giảm nên các cơ sở y tế nếu không kiểm tra, giám sát sẽ lập khống lên và trục lợi bảo hiểm y tế gây thất thoát quỹ,” Đại biểu Ngọc nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục