Ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập, mở ra cơ hội lớn cho các nước thành viên ASEAN trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, hội nhập sâu hơn với thế giới và khu vực.
Mong muốn của người dân các nước ASEAN ngoài việc hình thành cộng đồng kinh tế là hình thành các cộng đồng khác như y tế, giáo dục… Xung quanh vấn đề này, báo Bưu điện Jakarta số ra mới đây có đăng bài viết của Giáo sư Rosalia Sciortino, Đại học Mahidol, Thái Lan với tiêu đề: “Hướng đến việc thành lập Cộng đồng Sức khỏe ASEAN”. Nội dung bài viết như sau:
Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang được vận hành, tất cả đều muốn biết liệu quá trình hội nhập của các nước thành viên ASEAN có hướng đến việc thực hiện một “Cộng đồng ASEAN khỏe mạnh, được chăm sóc và bền vững” như trong tuyên bố tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN cuối năm 2014 hay không.
Trong 11 lĩnh vực thuộc danh mục ưu tiên cho sự phát triển, hội nhập của ASEAN thì các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức và bàn thảo nhiều.
Các chuyên gia tư vấn kinh doanh và các cố vấn tài chính lập luận rằng, để có thể phát triển tốt các dịch vụ chăm sóc y tế cần cải tiến việc quản lý về nhân khẩu cũng như điều kiện về dịch tễ.
Hiện nay, số lượng người già đang phải đối mặt với những căn bệnh mãn tính ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là các bệnh như ung thư, tiểu đường, các bệnh về tim mạch…
Nhu cầu chữa trị các loại bệnh này ngày càng tăng, đồng thời nó cũng kéo theo các dịch vụ về bảo hiểm sức khỏe, có thể đem đến những lợi nhuận lớn cho các doanh nghiệp.
Số những bệnh nhân muốn đi từ nước này sang nước kia để điều trị bệnh tật ngày càng tăng mạnh. Thái Lan, Singapore và Malaysia được đánh giá là những nước có dịch vụ du lịch chữa bệnh hàng đầu thế giới, với 4 triệu lượt bệnh nhân được điều trị từ năm 2011-2012, đem lại doanh thu 8 tỷ USD, theo hãng tư vấn Ipsos Business.
Để thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường y tế hấp dẫn này, ASEAN đã xây dựng cơ chế loại bỏ các rào cản thương mại đối với các sản phẩm y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, từ đó tạo điều kiện để các nguồn dược phẩm, thiết bị y tế, hóa mỹ phẩm của các nước có thể dễ dàng thâm nhập.
Đối với dịch vụ, thiết bị y tế, các nước thành viên ASEAN cam kết sẽ đơn giản hóa các thủ tục hải quan, thúc đẩy việc đi lại chữa trị bệnh tật của người dân các nước trong khu vực. Đặc biệt, các bác sỹ, y tá và nha sĩ có thể được công nhận tại các nước thành viên trong khối.
Việc hợp tác trong ngành y tế sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các nhà cung cấp sẽ được hưởng lợi bởi một thị trường rộng lớn hơn và sự chuyển giao kiến thức, công nghệ ở mức độ cao hơn, đồng thời nó sẽ mang lại những tiện ích, hiệu quả hơn cho người dân ASEAN.
Tuy nhiên, cách tiếp cận hiện nay của các nước ASEAN đối với việc hình thành Cộng đồng Sức khỏe vẫn còn khá e dè so với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế và Chính trị-An ninh ASEAN. Các cam kết vẫn chưa được chuyển thành hành động thống nhất trong việc kiểm soát, hạn chế các dịch bệnh truyền nhiễm.
Bài báo kết luận: “Các nước ASEAN cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người dân của mình. Chỉ khi làm được điều đó, chúng ta mới có thể nghĩ đến một Cộng đồng ASEAN khỏe mạnh, được chăm sóc và bền vững”./.