Việt Nam dự hội thảo về hợp tác kinh tế ASEAN-SELA tại Venezuela

Đại sứ Ngô Tiến Dũng cho rằng do cách xa về địa lý, thông tin về thị trường chưa đầy đủ nên đầu tư và trao đổi thương mại giữa ASEAN và Hệ thống Kinh tế Mỹ Latinh còn nhiều hạn chế.
Việt Nam dự hội thảo về hợp tác kinh tế ASEAN-SELA tại Venezuela ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: 123rf.com)

Tại thủ đô Caracas, ngày 16/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela đã phối hợp với Đại sứ quán các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại địa bàn (Indonesia và Malaysia) cùng Hệ thống Kinh tế Mỹ Latinh (SELA) tổ chức Hội thảo về hợp tác kinh tế hai khu vực ASEAN-SELA.

Tham dự sự kiện quan trọng này gồm nhiều vị Đại sứ, Đại biện lâm thời các nước ASEAN và SELA tại Venezuela cũng như nhiều chuyên gia kinh tế, học giả có uy tín khu vực và sở tại.

Tại hội thảo, nhiều đại diện các tổ chức kinh tế khu vực và tiểu khu vực đã trình bày về quá trình phát triển, trao đổi thương mại, cơ hội và thách thức hợp tác giữa các bên và đều thống nhất cho rằng trao đổi thương mại liên khu vực vẫn chủ yếu thông qua khuôn khổ song phương và chưa có nhiều cơ sở pháp lý vững chắc, riêng biệt để làm đòn bẩy, thúc đẩy hợp tác liên khối.

Về phần mình, đại diện các nước ASEAN đã lần lượt trình bày về quá trình hình thành, phát triển cũng như những thành tựu lớn của Cộng đồng ASEAN trên 3 trụ cột chính là chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Ngô Tiến Dũng đã khái quát những nét chính về lịch sử hình thành và phát triển của khối ASEAN, nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) từ cuối năm 2015, là mốc quan trọng góp phần đẩy nhanh liên kết, hội nhập khu vực ASEAN với hơn 630 triệu dân và hơn 2,6 tỷ USD Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Về quan hệ hợp tác kinh tế ASEAN với khu vực Mỹ Latinh nói chung và SELA nói riêng, Đại sứ Ngô Tiến Dũng cho rằng do cách xa về địa lý, thông tin về thị trường chưa đầy đủ nên đầu tư và trao đổi thương mại hai chiều còn nhiều hạn chế; khẳng định hai khối có nhiều tiềm năng hợp tác về nhiều mặt, đặc biệt là kinh tế, thương mại, du lịch, khoa học và giáo dục...

Thời gian tới, lãnh đạo cấp cao các bên liên quan cần tăng cường gặp gỡ, trao đổi và ký kết các thỏa thuận, hiệp định khung hợp tác liên khu vực làm cơ sở pháp lý cho việc tăng cường và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Đại sứ cũng đã chia sẻ kinh nghiệm mà Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới, nhất là tiến trình công nghiệp hóa, xóa đói giảm nghèo, đấu tranh chống biến đổi khí hậu cũng như những cơ hội và thách thức của Việt Nam trong quá trình liên kết, hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.

Nhân dịp này, Đại sứ quán Việt Nam cũng đã tranh thủ giới thiệu một số món ăn dân tộc đặc sắc trong chiêu đãi chung cũng như phân phát các ấn phẩm, băng hình tuyên truyền về tiềm năng hợp tác, kinh tế, đất nước và con người Việt Nam.

SELA là tổ chức liên chính phủ khu vực Mỹ Latinh và Caribe, được thành lập ngày 17/10/1975, có trụ sở tại Caracas, gồm 27 thành viên là Argentina, Bahamas, Barbados, Belice, Bolivia, Brazil, Colombia, Costa Rica, Cuba, Chile, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Guyana, Haiti, Honduras, Jamaica, Mexico, Nicaragua, Panama, Paraguay, Peru, Cộng hòa Dominicana, Suriname, Trinidad và Tobago, Uruguay và Venezuela.

SELA có nhiệm vụ phát triển hệ thống tư vấn và điều phối các hoạt động kinh tế chung trong khu vực, đồng thời thúc đẩy hợp tác và hội nhập giữa khu vực với bên ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.