‘Bảo mẫu’ linh trưởng: Dành cả thanh xuân bảo tồn nguồn gene quý hiếm

Nằm giữa khu rừng đặc dụng rộng lớn, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương hiện đang cứu hộ, nhận nuôi và chăm sóc 14 loài linh trưởng quý, hiếm với số lượng 178 cá thể.
Anh Đỗ Đăng Khoa trò chuyện với Voọc chà vá chân nâu - loài Voọc được tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài thú linh trưởng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Anh Đỗ Đăng Khoa trò chuyện với Voọc chà vá chân nâu - loài Voọc được tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài thú linh trưởng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Giữa cái nắng bỏng rát với nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến gần 50 độ C của một ngày Hè giữa tháng Sáu, chúng tôi tìm đến Vườn Quốc gia Cúc Phương (tỉnh Ninh Bình) không chỉ để chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với hệ động thực vật phong phú đa dạng, mà còn khám phá “ngôi nhà” của 14 loài thú linh trưởng quý, hiếm đang được chăm sóc, bảo tồn rất đặc biệt.

Ở đó, có những cán bộ thú y đã quyết định đi theo "mệnh lệnh từ trái tim" - bỏ phố vào rừng, dành cả thanh xuân của mình để hóa thân thành những người bảo mẫu thầm lặng, giúp phục hồi sự sống cho các loài động vật hoang dã quý hiếm bậc nhất Việt Nam hiện nay.

“Ngôi nhà đặc biệt” của linh trưởng

Nằm giữa khu rừng đặc dụng thuộc địa phận ranh giới 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, Vườn Quốc gia Cúc Phương có hệ động thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây, trong đó có những loài rất đặc biệt như Voọc chà vá chân nâu được tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài thú linh trưởng.

Để cứu hộ, phục hồi, cho sinh sản bảo tồn và tái thả lại tự nhiên các loài thú linh trưởng hoang dã quý hiếm, năm 1993, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương đã được thành lập. Đây cũng là trung tâm đầu tiên tại Đông Dương và Việt Nam được thành lập với mục đích nghiên cứu, bảo tồn các loài linh trưởng.

[Nguyễn Văn Thái: Người đặt nền móng phục hồi quần thể tê tê ở Việt Nam]

Anh Trần Quang Phương, điều phối viên Dự án bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam cho biết với diện tích 3,5 hécta, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương có khoảng 50 chuồng sắt rộng rãi, giúp các loài được sống trong môi trường gần gũi với thiên nhiên.

Hiện nay, trung tâm được xem là “ngôi nhà chung” của 14 loài linh trưởng với số lượng 178 cá thể đang được cứu hộ, nhận nuôi và chăm sóc. Phần lớn các loài linh trưởng ở đây đều là tang vật của những vụ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đã được lực lượng kiểm lâm bắt giữ; trong đó có nhiều cá thể đang trong tình trạng bị thương tích rất nặng.

Dù vậy, chỉ sau một thời gian được chăm sóc tại trung tâm, hầu hết các cá thể linh trưởng đã dần phục hồi sức khỏe. Mỗi loài có một đặc tính khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung là rất thân thiện với những người “bảo mẫu” của mình - đó là những cán bộ thú y đang ngày đêm canh giấc ngủ, lo từng bữa ăn cho linh trưởng.

‘Bảo mẫu’ linh trưởng: Dành cả thanh xuân bảo tồn nguồn gene quý hiếm ảnh 1Voọc chà vá chân nâu được tôn vinh là “nữ hoàng” của các loài thú linh trưởng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cùng với công tác cứu hộ, chăm sóc, trung tâm còn tổ chức tái thả động vật về với tự nhiên. Trước khi tái thả, các chuyên gia tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm thả phù hợp, theo dõi môi trường sinh thái trong khu vực, điều tra về mức độ đa dạng, trữ lượng thức ăn và đào tạo nguồn nhân lực để quản lý. Đến nay, trung tâm đã tiến hành tái thả thành công hàng trăm cá thể linh trưởng về tự nhiên; trong đó riêng từ đầu năm 2021 đến nay đã tái thả thành công 12 cá thể.

Ngoài ra, trong môi trường bán hoang dã tại trung tâm, nhiều linh trưởng con đã chào đời. Hiện trung tâm đã cho sinh sản thành công 10 loài với 166 cá thể…

Đáng chú ý, có 4 loài thú linh trưởng lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới là Voọc mông trắng Cúc Phương, Voọc Cát Bà, Voọc Hà Tĩnh và Voọc chà vá chân xám. Đặc biệt, một số cá thể Voọc mông trắng mới sinh ra đã được tái hòa nhập vào Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Khu sinh thái Tràng An (tỉnh Ninh Bình).

Sự hồi sinh kể trên không chỉ minh chứng cho thấy điều kiện môi trường sống của các loài linh trưởng ở đây rất gần với môi trường sống tự nhiên và rất an toàn mà qua đó còn thể hiện sự đóng góp quan trọng vào công tác bảo tồn nguồn gene các loài động vật hoang dã quý hiếm, phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Mỗi cán bộ là một người bảo mẫu

Ít ai biết rằng để góp phần bảo tồn nguồn gene cho các loài động vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam, những cán bộ thú y đã dành cả thanh xuân của mình, thậm chí gác lại hạnh phúc gia đình, tự nguyện bỏ phố vào rừng sinh sống để làm công việc của người “bảo mẫu” chăm sóc động vật hoang dã, giúp hồi sinh sự sống cho các loài linh trưởng mang nhiều thương tật.

Hiện nay, các loài linh trưởng sinh sống tại Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương đang được quản lý và chăm sóc, theo dõi sức khỏe bởi hơn 29 nhân viên thú y, cán bộ kỹ thuật và chuyên gia nghiên cứu người nước ngoài. Trong số đó, có những người đã gắn bó 28 năm, cũng có những bạn trẻ vừa ra trường mới vào trung tâm được 4-5 tháng.

Dù mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả có một điểm chung là đều làm công việc của người "bảo mẫu" và dành tình yêu đặc biệt cho các loài thú linh trưởng.

‘Bảo mẫu’ linh trưởng: Dành cả thanh xuân bảo tồn nguồn gene quý hiếm ảnh 2Thực đơn hàng ngày của các bạn linh trưởng được các cán bộ Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương lên từ ngày đầu hàng tuần. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hàng ngày, cứ 8 giờ là lúc bắt đầu bữa ăn sáng của các loài linh trưởng. Trước bữa ăn khoảng gần 2 tiếng, các loài bắt đầu thức dậy bằng những “bản hòa ca” ngân vang khắp khu rừng già. Đó cũng là lúc các nhân viên thú ý lo bữa ăn sáng cho từng nhóm, “gia đình linh trưởng” - đây là những cá thể được ghép đôi sinh sản cùng chung sống trong buồng sắt riêng.

Thông thường mỗi ngày, các linh trưởng được chăm sóc kỹ lưỡng với khoảng 300-400kg lá thuộc hơn 100 loài cây, đặc biệt là các loại lá có vị đắng, chát, có nhựa như vả, sung, phượng, nhãn. Nguồn thức ăn này được lấy từ khu vực rừng trồng và khu phục hồi sinh thái của rừng Cúc Phương và Việt Nam. Ngoài ra, một số loài thú linh trưởng còn có thêm khẩu phần ăn từ khoai lang, bí đỏ và đu đủ…

Sau bữa ăn, các nhân viên thú ý lại đi đến từng khu chăm sóc kiểm tra tình hình sức khỏe của động vật; làm vệ sinh sạch sẽ để bảo đảm môi trường sống cho các loài thú. Thường thì công việc kết thúc vào lúc 18 giờ, nhưng có nhiều hôm các thành viên trong đội phải thức trắng đêm để chăm sóc các cá thể Vọoc bị ốm.

Từ cổng vào Trung tâm, hình ảnh ấn tượng nhất chúng tôi nhìn thấy là chuồng sắt có mắt lưới chi chít, bên trong được bố trí những thân cây bắc ngang dọc là nơi ở của loài Vọoc mông trắng hay còn gọi là Vọc quần đùi trắng. Thấy anh Đỗ Đăng Khoa - một trong  những “bảo mẫu” của đại gia đình linh trưởng bước đến, Vọoc mông trắng nhảy vọt tới cửa nhận thức ăn là một ôm lá. Đây cũng là loài khiến các cán bộ ở trung tâm phải để ý nhất bởi có nhiều cá thể con đã được sinh ra.

Ngắm các cá thể Vọoc mông trắng chia nhau những cành cây để ăn và nô đùa vui vẻ trong khu chăm sóc đặc biệt, anh Khoa thổ lộ trong 13 năm gắn bó với Trung tâm, điều khiến anh tự hào là đã được nhìn thấy sự hồi sinh của các loài linh trưởng.

“Hồi trước, khi mới rời thành phố về làm ở đây (bắt đầu từ ngày 1/1/2008), tôi đã rất xúc động như đã có tình yêu để dành cho thú linh trưởng vậy. Đó là những cá thể mang đầy thương tật do bị săn bẫy, buôn bán trái phép, được lực lượng chức năng giải cứu đưa về trung tâm chăm sóc, phục hồi sức khỏe. Thế nên, càng gắn bó càng thấy công việc này như là sự sắp đặt cho mình. Cũng bởi thế, bao năm qua, cứ mỗi sáng sớm thức dậy, nhìn các bạn ấy vui chơi, phát triển khỏe mạnh là bao nhiêu lo âu, mệt mỏi trong người tan biến hết,” anh Khoa xúc động chia sẻ.

Tại các chuồng nuôi và chăm sóc khác, các nhân viên kỹ thuật, nhân viên thú y cũng đang thay nhau vặt lá, chia khẩu phần thức ăn và quét dọn chuồng trại, tắm rửa cho thú linh trưởng.

Nhìn những cảnh tượng đó, chúng tôi hiểu nếu không có tình yêu thiên nhiên thực sự, những người “bảo mẫu” như anh Khoa sẽ không thể giúp các cá thể thú linh trưởng bị săn bắt được tái hòa nhập trở lại cũng như có cơ hội được trở về với cuộc sống tự nhiên vốn có của mình./.

‘Bảo mẫu’ linh trưởng: Dành cả thanh xuân bảo tồn nguồn gene quý hiếm ảnh 3Mỗi ngày, các nhân viên Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương đi hàng chục cây số hái khoảng 300-400kg lá thuộc hơn 100 loài cây khác nhau làm thức ăn cho các loài thú linh trưởng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục