Báo Mỹ: Không có đặc nhiệm Nga chiến đấu ở Slavyansk

Tờ New York Times của Mỹ cho biết lực lượng tự vệ địa phương ở Slavyansk là người Ukraine chứ không phải người Nga như cáo buộc của chính quyền Kiev.
Báo Mỹ: Không có đặc nhiệm Nga chiến đấu ở Slavyansk ảnh 1Các chiến binh ly khai ở Slavyansk. (Nguồn: AFP)

Tờ báo uy tín New York Times của Mỹ ngày 4/5 đã đăng bài điều tra cho biết, lực lượng tự vệ địa phương ở Slavyansk là người Ukraine chứ không phải người Nga như cáo buộc của chính quyền thân phương Tây ở Kiev.

Những người này không tin tưởng vào chính quyền mới và các cường quốc phương Tây đang đứng sau nó. Họ nói rằng chẳng nhận tiền từ bất kỳ phía nào để có quan điểm chống Kiev.

Hai phóng viên tờ New York Times đã dành một tuần ở thành phố Slavyansk tại phía Đông Ukraine và thực hiện nhiều cuộc trò chuyện với các thành viên lực lượng tự vệ của thành phố.

Các phóng viên đã tới các điểm kiểm soát do lực lượng tự vệ quản lý và quan sát lực lượng này khi họ chiến đấu chống binh lính chính quyền Ukraine, trong một cuộc tấn công quân sự nhằm vào thành phố hôm 2/5 vừa qua.

Các binh sỹ thuộc Đại đội 12 thuộc Lực lượng Tự vệ của nước Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng, đã bác bỏ các cáo buộc do Kiev và phương Tây đưa ra, cho rằng nước Nga hoặc các nhà tài phiệt giàu có đã bơm tiền vào thành phố, khiến họ cầm súng.

"Đây không phải công việc" - một trong các chiến binh là Dmitry nói với phóng viên New York Times - "Đây là thực hiện nghĩa vụ (quân sự)."

Được trang bị các vũ khí khá lạc hậu, các thành viên lực lượng tự vệ nói rằng họ sẽ mua vũ khí mới nếu được hỗ trợ tài chính. Các phóng viên New York Times đã thấy vũ khí từ những năm 1980 và 1990 xuất hiện tại nhiều điểm kiểm soát, nhiều nhà kho.

Họ cho biết đã mua lại một số vũ khí từ các quân nhân biến chất trong chính quyền Ukraine, từ các trụ sở cảnh sát bị chiếm giữ hoặc tịch thu từ các xe thiết giáp Ukraine bị bắt.

“Phần lớn vũ khí họ dùng giống vũ khí đang nằm trong tay binh lính Ukraine và lính thuộc Lực lượng đặc biệt của Bộ Nội vụ, đang đóng tại các vị trí của quân chính phủ ở phía ngoài thành phố" - các phóng viên New York Times viết trong bài báo của họ đăng hôm 3/5.

“Chúng gồm súng ngắn Makarov dùng đạn 9mm, súng trường tấn công Kalashnikov, vài khẩu súng bắn tỉa Dragunov, súng máy hạng nhẹ RPK, súng chống tăng vác vai, với một số có gắn tem sản xuất từ những năm 1980 và đầu những năm 1990."

Lãnh đạo lực lượng tự vệ Slavyansk là Yury đã bật cười trước các cáo buộc do chính quyền Kiev và phương Tây đưa ra, nói rằng người Nga đang chiến đấu cùng tự vệ Slavyansk.

“Chúng tôi không có các tay Muscovite (người Nga) ở đây" - Yury nói với các phóng viên - "Tôi trải nghiệm đủ rồi."

Rất nhiều trong số 119 thành viên của Đại đội, những người có độ tuổi dao động từ 20-50, đã phục vụ trong lực lượng bộ binh, lính dù, đặc nhiệm, phòng không của Liên Xô hoặc Ukraine.

Yury, người trong độ tuổi 50, nói rằng ông có bốn năm chỉ huy một đơn vị nhỏ của Liên Xô ở Kandahar, Afghanistan, trong những năm 1980.

“Không có mối liên hệ rõ rệt từ phía Nga với kho vũ khí của Đại đội 12" - các phóng viên viết.

Thời gian quan sát các điểm kiểm soát của lực lượng tự vệ trong phòng hơn một tuần, các phóng viên New York Times đánh giá họ nhận được sự ủng hộ lớn từ cư dân địa phương, những người thường mang đồ ăn tới cho binh lính.

“Với những gã ở Kiev, chúng tôi là quân ly khai, khủng bố," Yury nói, "nhưng với người dân ở đây, chúng tôi là lực lượng tự vệ, những người bảo hộ."

Nhân dân Đông Ukraine, những người không tin tưởng vào chính quyền thành lập sau đảo chính, đã cảm thấy bị đe dọa sau khi hồi tháng Hai năm nay, Kiev đề xuất việc loại bỏ tiếng Nga trong danh sách ngôn ngữ chính thức.

Tiếng Nga là ngôn ngữ được đông đảo dân cư sống ở Đông Ukraine sử dụng.

"Đó là thời điểm mang tính bước ngoặt," Maksim, một thành viên tự vệ Slavyansk nói.

Với những người Ukraine sống ở phía Đông, nhiều người có quan hệ gần gũi với Nga và các gia đình Nga ở bên kia biên giới, động thái của Kiev giống một cuộc "tấn công văn hóa."

"Tất cả đều thể hiện sự căm phẫn với chính quyền điều hành ở Kiev," các phóng viên New York Times viết.

Theo Yury, người Đông Ukraine đã tự đưa ra quyết định. Họ đang yêu cầu việc tổ chức trưng cầu dân ý và sẽ tiến hành chiến tranh nếu bị từ chối yêu cầu.

Ông nói thêm rằng người dân ở Đông Ukraine đang cảm thấy khó hiểu trước sự ủng hộ của phương Tây với vụ đảo chính ở Kiev, cũng như sự coi thường công khai quan điểm và quyền lợi của người Đông Ukraine.

“Tại sao Mỹ ủng hộ các hành động đó, nhưng chống lại chúng tôi?" Maksim, một người lính dù trẻ chất vấn - "Đó là những sự mâu thuẫn của phương Tây." /.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.