Báo Mỹ: Nga thúc đẩy việc tăng cường sức mạnh của bộ binh

Theo tờ Defense News, bộ binh Nga được hưởng lợi từ các nỗ lực tổng thể, bởi họ nhận được các hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống phòng không và các loại vũ khí mới.
Báo Mỹ: Nga thúc đẩy việc tăng cường sức mạnh của bộ binh ảnh 1Binh sỹ Nga tham gia một cuộc diễn tập. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo Defense News của Mỹ cho biết, các chương trình tái vũ trang của quân đội Nga đến năm 2020 chú ý đáng kể tới những "mua sắm nổi bật" như tàu ngầm hạt nhân và máy bay tàng hình, tuy nhiên việc tăng cường sức mạnh của lực lượng bộ binh cũng là nhiệm vụ không hề nhỏ và đang được thúc đẩy.

Theo báo này, trong tổng số 20.000 tỷ ruble phân bổ cho chương trình tái vũ trang vào năm 2011, ngân sách dành cho các lực lượng mặt đất là 3.000 tỷ ruble, chiếm khoảng 16%.

Các chuyên gia cho biết, Bộ Quốc phòng Nga không hài lòng với xe tăng và các phương tiện vận chuyển khác phát triển từ thời Liên Xô. Trong vài năm qua, ngành công nghiệp Nga đã phát triển nền tảng Armata mà ngoài xe tăng T-14, còn sử dụng cho các xe bọc thép và xe bọc thép chở quân.

Nền tảng mới này từ bỏ "phương châm thiết kế của thời Liên Xô, trong đó ưu tiên giá thành rẻ và dễ chễ tạo, có thể sản suất với số lượng ấn tượng". Thay vào đó, phương châm mới tập trung bảo vệ tính mạng cho tổ lái: tổ lái ngồi trong khoang ngăn cách với khoang chứa đạn và tháp pháo chính (được điều khiển từ xa).

Defense News cho biết thêm một thách thức nữa với bộ binh Nga là chất lượng quân nhân. Chuyên gia phân tích của tờ báo Mỹ đánh giá: "Quân đội Nga tập trung vào việc đào tạo lính bộ binh lồng ghép - không hoàn toàn là lính quân dịch, cũng không hoàn toàn tình nguyện - đó là một phần thành công."

Tờ báo lưu ý, thực ra bộ binh không phải là ưu tiên đối với quân đội Nga mà phần lớn nguồn lực họ dành cho hiện đại hóa hạm đội hải quân, lực lượng hạt nhân và không quân. Tuy nhiên, bộ binh vẫn được hưởng lợi từ các nỗ lực tổng thể, bởi họ nhận được các hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống phòng không và các loại vũ khí mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.