​Báo Mỹ nhận định Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới

Bằng phương pháp đo sử dụng sức mua tương đương (PPP), IMF đánh giá nền kinh tế Trung Quốc hiện lớn hơn 1/6 so với nền kinh tế Mỹ (24.200 tỷ USD so với 20.800 tỷ USD của Mỹ).
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự phiên đối thoại song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản ngày 29/6/2019. (Nguồn: AFP)

Tạp chí The National Interest đã đăng bài viết: “China Is Now the World's Largest Economy. We Shouldn't Be Shocked" (Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay. Chúng ta không nên sốc). Nội dung bài viết như sau:

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã trình bày báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới 2020, qua đó cung cấp một cái nhìn tổng thể về kinh tế toàn cầu và những thách thức phía trước.

Thực tế bất tiện nhất trong báo cáo là một điều mà người Mỹ không muốn nghe và ngay cả khi họ đọc điều đó, họ có xu hướng từ chối chấp nhận; đó là dường như Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Được đánh giá bằng một thước đo chuẩn mực hơn mà cả IMF và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đánh giá là thước đo tốt nhất để so sánh các nền kinh tế quốc gia, báo cáo của IMF cho thấy nền kinh tế Trung Quốc hiện lớn hơn 1/6 so với nền kinh tế Mỹ (24.200 tỷ USD so với 20.800 tỷ USD của Mỹ).

Bất chấp tuyên bố rõ ràng này từ hai nguồn có độ tin cậy nhất, hầu hết báo chí chính thống - ngoại trừ tạp chí The Economist - tiếp tục đưa tin rằng nền kinh tế Mỹ vẫn là số một. Vậy điều gì đang xảy ra?

Rõ ràng, việc đánh giá quy mô nền kinh tế của một quốc gia là phức tạp hơn so với vẻ bề ngoài. Ngoài việc thu thập dữ liệu, việc đánh giá yêu cầu chọn một thước đo thích hợp. Theo truyền thống, các nhà kinh tế đã sử dụng một số liệu gọi là MER (tỷ giá hối đoái thị trường) để đánh giá Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Nền kinh tế Mỹ được lấy làm cơ sở - phản ánh một thực tế là khi phương pháp này được xây dựng trong những năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nước Mỹ chiếm gần một nửa GDP toàn cầu.

Đối với nền kinh tế của các quốc gia khác, phương pháp này cộng tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ do nền kinh tế của nước đó sản xuất bằng đồng nội tệ và sau đó quy đổi tổng số đó sang đồng USD theo “tỷ giá hối đoái thị trường” hiện tại.

[Chiến tranh lạnh với Trung Quốc - sai lầm chiến lược lớn nhất của Mỹ?]

Năm 2020, giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ở Trung Quốc ước tính khoảng 102.000 tỷ nhân dân tệ (NDT). Con số này được quy đổi sang USD với tỷ giá thị trường là 7 NDT đổi 1 USD, Trung Quốc sẽ có GDP theo “tỷ giá hối đoái thị trường” khoảng 14.600 tỷ USD so với 20.800 tỷ USD của nước Mỹ.

Tuy nhiên, sự so sánh này giả định rằng 7 NDT mua được lượng hàng hóa tương tự ở Trung Quốc như 1 USD ở nước Mỹ và rõ ràng không phải như vậy. Để làm cho điều này dễ hiểu hơn, tạp chí The Economist đã tạo ra “Chỉ số Big Max” để làm rõ biểu đồ ở đầu phần này.

Như chỉ số này cho thấy, với 21 NDT, một người tiêu dùng Trung Quốc có thể mua được cả chiếc bánh “Big Mac” ở thủ đô Bắc Kinh. Nếu quy đổi số tiền NDT này với tỷ giá hối đoái hiện tại, anh ta sẽ có 3 USD và sẽ chỉ mua được một nửa chiếc bánh “Big Mac” ở nước Mỹ.

Nói cách khác, khi mua hầu hết các sản phẩm từ bánh mỳ kẹp thịt, điện thoại thông minh cho đến các loại tên lửa, căn cứ hải quân, người Trung Quốc gần như nhận được gấp đôi số tiền cho việc tiêu mỗi đồng.

Nhận thức được thực tế này, trong một thập kỷ qua, cả CIA và IMF đã xây dựng một thước đo thích hợp hơn để so sánh nền kinh tế của các quốc gia, được gọi là sức mua tương đương (PPP).

Như Báo cáo của IMF giải thích, PPP “loại bỏ sự khác biệt về mức giá giữa các nền kinh tế” và do đó, so sánh các nền kinh tế quốc gia về mức độ mà mỗi quốc gia có thể mua bằng đồng tiền của mình với giá các mặt hàng được bán ở đó.

Trong khi thước đo MER cho biết người Trung Quốc sẽ nhận được bao nhiêu theo các mức giá của Mỹ thì phương pháp PPP cho biết, người Trung Quốc nhận được bao nhiêu theo giá ở chính nước này.

1 USD mua ở Trung Quốc có giá trị gần gấp đôi so với ở Mỹ. (Nguồn: AFP)

Nếu như người Trung Quốc quy đổi đồng NDT của họ sang đồng USD, mua các chiếc bánh Big Mac ở Mỹ và đưa chúng về Trung Quốc bằng máy bay để tiêu thụ, thì việc so sánh các nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc bằng phương pháp MER sẽ phù hợp. Nhưng thay vào đó, họ mua các chiếc bánh này tại một trong số 3.300 cửa hàng của McDonald ở Trung Quốc, nơi mà chúng chỉ có giá bằng một nửa so với những gì người Mỹ phải chi trả.

Giải thích quyết định chuyển từ phương pháp MER sang PPP trong đánh giá hàng năm về các nền kinh tế quốc  gia - hiện đã có sẵn trực tuyến trên trang CIA Factbook - CIA lưu ý rằng: “GDP theo tỷ giá hối đoái chính thức (MER GDP) về cơ bản thấp hơn đáng kể mức sản lượng thực tế của Trung Quốc so với phần còn lại của thế giới.”

Do vậy, theo quan điểm của mình, CIA cho rằng PPP “cung cấp điểm xuất phát tốt nhất hiện có để so sánh sức mạnh kinh tế và phúc lợi giữa các nền kinh tế.”

IMF cho biết thêm rằng “tỷ giá hối đoái thị trường biến động nhiều hơn và việc sử dụng chúng có thể tạo ra sự dao động khá lớn trong các thước đo tổng hợp về tăng trưởng, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng ở từng quốc gia ổn định.”

Tóm lại, trong khi thước đo mà hầu hết người Mỹ quen thuộc vẫn cho thấy nền kinh tế Trung Quốc nhỏ hơn 1/3 so với Mỹ, nhưng khi người ta nhận ra thực tế rằng 1 USD mua ở Trung Quốc có giá trị gần gấp đôi so với ở Mỹ, nền kinh tế của Trung Quốc hiện nay đã lớn hơn 1/6 so với nền kinh tế Mỹ.

Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào? Nếu đây chỉ đơn giản là một cuộc thi tranh giành sự khoe khoang, thì việc chọn một thước đo cho phép người Mỹ cảm thấy tốt hơn về bản thân có lôgíc nhất định. Nhưng trong thế giới thực, GDP của một quốc gia là cơ cấu nền tảng của sức mạnh toàn cầu của quốc gia đó. Trong suốt thế hệ vừa qua, khi Trung Quốc đã tạo ra nền kinh tế lớn nhất thế giới, nước này đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của gần như mọi quốc gia lớn trên thế giới (năm ngoái mới thêm Đức vào danh sách đó).

Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới, bao gồm cả khẩu trang và các thiết bị bảo vệ khác như chúng ta đang thấy trong cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.

Nhờ tăng trưởng hai con số về ngân sách quốc phòng, lực lượng quân sự của Trung Quốc đã dần dần làm thay đổi tình trạng “cò cưa” về quyền lực trong các cuộc xung đột khu vực tiềm tàng. Dự kiến trong năm 2020, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Để Mỹ có thể đối mặt với thách thức Trung Quốc, người Mỹ phải nhận ra một thực tế tồi tệ: Trung Quốc dường như đã vượt qua họ trong cuộc đua trở thành nền kinh tế số một thế giới.

Hơn nữa, trong năm 2020, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng tích cực và là nền kinh tế duy nhất sẽ lớn hơn vào cuối năm so với thời điểm đầu năm.

Hậu quả đối với an ninh của Mỹ không khó dự đoán. Tăng trưởng kinh tế khác biệt sẽ thể hiện một vai trò địa chính trị quyết đoán hơn bao giờ hết trên trường quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục