Theo trang mạng scmp.com/hãng tin AP, quan hệ Mỹ-Trung đang ở trong trạng thái rơi tự do.
Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng Bảy vừa qua tại Thư viện Nixon đã báo hiệu sự kết thúc trên thực tế, nếu không nói là pháp lý, của cái gọi là khuôn khổ quan hệ theo các thông cáo chung nhằm duy trì ổn định giữa hai nước.
Khuôn khổ này bao gồm 3 văn kiện: thông cáo chung Thượng Hải 1972, được thúc đẩy bởi cuộc chiến chung giữa hai nước chống lại Liên Xô; Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979; và Thông cáo chung ngày 17/8/1982 với nội dung cam kết tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực giáo dục, công nghệ và khoa học và Mỹ giảm dần việc bán vũ khí cho Đài Loan, đã giúp thúc đẩy mối quan hệ song phương Mỹ-Trung trong gần 5 thập kỷ qua.
Trong khi Bắc Kinh vẫn muốn duy trì khuôn khổ quan hệ này, phe diều hâu tại Washington, bao gồm cả các thành viên của chiến dịch vận động tranh cử của ứng cử viên tổng thống Joe Biden, dường như lại quyết tâm phá bỏ.
Tuy nhiên cơ sở lập luận của phe diều hâu đang ở trong tình trạng bị lung lay. Cả hai quan điểm của họ, rằng phương Tây cần ngăn chặn sớm sự mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc - là chính sách giúp đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo cùng cực - và sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ mang lại lợi ích cho chính nước này, đều không hợp lý cả về đạo đức và thực tế.
Căng thẳng Mỹ-Trung về thương mại, công nghệ và vô số các vấn đề khác ngày càng lan sang các lĩnh vực ngoại giao vào truyền thông, với việc Mỹ ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, bang Texas vào tháng Bảy vừa qua.
Trung Quốc đáp trả bằng cách ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô - một đòn tấn công vào hai mục tiêu bởi đây là nơi có vai trò quan trọng trong việc giám sát các hoạt động ở vùng Himalaya thuộc Tây Tạng.
Gần đây nhất, ngày 11/9 vừa qua, Trung Quốc đã công bố những hạn chế mới đối với hoạt động của các nhà ngoại giao Mỹ làm việc tại Trung Quốc Đại lục và Hong Kong, trong một động thái mà nước này gọi là đáp trả các biện pháp tương tự mà Mỹ áp dụng đối với các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ được đưa ra vào năm ngoái.
Trong cơn tuyệt vọng muốn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, Tổng thống Donald Trump hoàn toàn có thể biến mình thành một tổng thống thời chiến sau khi đã để lỡ cơ hội đánh bại đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19).
Một “bất ngờ tháng 10” (một sự kiện được tính toán thời điểm để xảy ra ngay trước cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ và có tác động lớn tới kết quả bầu cử) dưới hình thức xung đột quân sự hạn chế với Trung Quốc không còn là điều không tưởng.
Thật vậy, phe diều hâu chắc hẳn đã háo hức muốn có một “khủng hoảng Berlin” mới ở phía Đông (có thể là Hong Kong, Đài Loan hay Biển Đông) để tiến hành thể chế hóa hoàn toàn bộ máy quân sự cho một cuộc chiến tranh lạnh mới.
[WTO ra phán quyết vụ Trung Quốc khiếu nại Mỹ áp thuế bổ sung]
Nguy hiểm hơn, có những xu hướng tương ứng ở cả hai quốc gia đang cho thấy một cuộc đụng độ lớn không sớm muộn sẽ xảy ra.
Trước hết, cả hai bên đều thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn. Trong khi một cuộc chiến tranh lạnh mới đang được Mỹ khởi xướng không có bóng dáng của những nhân vật như George Kennan (giám đốc đầu tiên của Ban hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, là cha đẻ của chính sách kiềm chế Liên Xô).
Theo quan điểm của Kiron Skinner - một giám đốc gần đây của cơ quan này, Trung Quốc là một “cường quốc cạnh tranh không đến từ khu vực Kavkaz,” cho thấy không có gì ngoài mối lo sợ về “Hiểm họa Da vàng” đã bị phóng đại.
Trong khi đó, Trung Quốc có thể có quan điểm lịch sử lâu dài nhưng không có khả năng đưa ra một tầm nhìn thuyết phục để duy trì hòa bình thế giới và hợp tác quốc tế.
Chính sách ngoại giao “Chiến Lang” (biệt danh được đặt theo tên một bộ phim nổi tiếng kể về các lực lượng tinh nhuệ đặc biệt của Trung Quốc chiến đấu chống đội quân đánh thuê của Mỹ) của Trung Quốc được thúc đẩy trên trí tưởng tượng, không xuất phát từ thực tế.
Sự tự tin quá mức chắc chắn sẽ dẫn đến sai lầm. Ngoài ra, việc Trung Quốc căng trải lực lượng quá mức sẽ khiến nước này không có năng lực cả về kinh tế và quân sự để đối phó với các thách thức địa chính trị.
Hơn nữa, những người có tính tự ái thường có xu hướng leo thang những cạnh tranh tầm thường thành đối đầu.
Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một cảnh tượng kỳ lạ ở Washington: nhà ngoại giao hàng đầu của nước này hành xử như là một lãnh đạo cơ quan tuyên giáo, trong khi tổng thống của ông ta thì có phong cách riêng và gây hài đến mức Mussolini cũng trở nên nhạt nhòa nếu đem ra so sánh.
Thật kỳ lạ, bộ máy chính trị ở Washington và thậm chí ở Brussels dường như rất vui mừng khi tham gia vào chiến dịch tấn công Trung Quốc đầy ác ý này, có lẽ để kiểm tra giới hạn của Bắc Kinh. Không có tiếng nói bất đồng nghiêm trọng nào giữa các quốc gia ở hai bờ Đại Tây Dương.
Trong khi đó, Bắc Kinh mặc dù có vẻ bình tĩnh hơn, nhưng hoạt động tuyên truyền của họ lại rơi vào tình trạng không kiểm soát được.
Một số nhân vật có quan điểm cứng rắn như Triệu Lập Kiên và Hồ Tích Tiến không để cho Pompeo thắng lợi dễ dàng. Phong trào dân túy của chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở cả hai quốc gia.
Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc là một con hổ: ngồi trên lưng hổ an toàn hơn là bước xuống đất. Thật nực cười nếu các nhà lãnh đạo của cả hai bên tin rằng họ có thể khai thác lòng nhiệt thành yêu nước này để đoàn kết sự ủng hộ.
Cuối cùng, cả hai bên đều có tham vọng chiến lược quá mức. Có những nhân vật ở Washington tin rằng các giá trị dân chủ sẽ chiếm ưu thế trong cuộc Chiến tranh Lạnh lần này, giống như trước đây.
Quan điểm này không tính đến nguồn gốc của tính hợp pháp trong nền chính trị Trung Quốc, vốn đã vận hành theo logic riêng trong hàng nghìn năm.
Chiến lược không công nhận tính hợp pháp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, như đã sử dùng thời Chiến tranh Lạnh, sẽ không hiệu quả trừ khi đa số người dân trong nước đồng tình. Nhận định về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mất “Thiên Mệnh” vẫn còn quá sớm và không mang tính lịch sử.
Trên thực tế, Mỹ không thể chiến thắng trong một cuộc Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc nếu không có các đồng minh và Mỹ sẽ không chỉ cần các nền dân chủ phương Tây mà cả đa số các thành viên Liên hợp quốc đứng về phía mình.
Tuy nhiên, trong chưa đầy 4 năm, nước Mỹ đã phung phí phần lớn sức mạnh mềm mà đã tích lũy trong nhiều thập kỷ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Không rõ liệu Mỹ có thể chiến thắng trong một cuộc chiến ý thức hệ với Trung Quốc hay không, khi Bắc Kinh ngày càng có được thiện chí từ nhiều quốc gia nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của họ.
Hơn nữa, Trung Quốc không phải là Liên Xô, và chiến lược cũ của Washington là phá hủy nền kinh tế của Liên Xô bằng cách lôi kéo Moskva vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém sẽ không hiệu quả, mặc dù đúng là Washington có thể cản trở tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc theo những cách khác.
Trong hoàn cảnh đó, nguy cơ tính toán sai lầm là cao đối với cả hai bên. Cả Washington và Bắc Kinh bắt buộc phải cân nhắc lại các chiến lược toàn cầu của họ để tránh tính toán sai lầm. Mỹ phải từ bỏ kế hoạch thay đổi chế độ ở Trung Quốc.
Thành tích của Mỹ trong việc thay đổi các chế độ từ trước đến nay khá là ảm đạm để có thể tiếp tục tiến hành đối với Trung Quốc. Bắc Kinh phải chuẩn bị cho sự tan rã của khung quan hệ với Mỹ theo các thông cáo chung và những biến động sẽ xảy ra sau đó.
Trung Quốc cũng nên xem xét lại việc làm theo lời khuyên của Đặng Tiểu Bình về việc “giấu mình chờ thời” và có lẽ cần đánh giá lại BRI.
Đại dịch COVID-19 thực sự mang lại cho Bắc Kinh một lý do hợp lý để giảm bớt tham vọng chiến lược tại các vùng lãnh thổ tranh chấp và Đài Loan, đồng thời giảm đáng kể cam kết trong chiến lược Vành đai và Con đường./.