Bão số 10 có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 hướng vào miền Trung

Ngày 5/11, bão số 10 sẽ đổ bộ vào đất liền và suy yếu, tuy nhiên, bão vẫn có thể gây thiệt hại khu vực miền Trung, trọng tâm là Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Hình ảnh và đường đi của bão số 10. (Nguồn: nchmf.gov.vn)
Hình ảnh và đường đi của bão số 10. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, tính đến 13 giờ ngày 2/11, bão số 10 đã giảm 9 cấp từ cấp 17 ở miền Trung Philippines xuống cấp 8-9 khi vào Biển Đông và hướng vào khu vực miền Trung.

Ngày 5/11, bão sẽ đổ bộ vào đất liền và suy yếu do tác động của bề mặt đất, độ ẩm và năng lượng của bão giảm. Tuy nhiên, bão vẫn có thể gây thiệt hại khu vực miền Trung, trọng tâm là Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Bão số 10 có cường độ gió cấp 8-9, vùng gần tâm bão có gió giật cấp 11, sóng cao 5-7m. Trên vùng biển ven bờ, gió bão cấp 8-9, giật cấp 11, ven bờ sóng cao 3-5m. Nước dâng do bão vùng ven bờ khoảng 0,5m.

Vùng mưa do bão số 10 gây ra khá rộng do kết hợp thêm với hoạt động của gió mùa Đông Bắc.

Cụ thể, từ ngày 4-6/11, các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa với lưu lượng 100-200mm/đợt, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi có mưa với lưu lượng từ 300-400mm/đợt.

Từ ngày 5-7/11, các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa với lưu lượng từ 150-300mm/đợt.

Mực nước tại các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi lên mức báo động 2-3, thậm chí trên báo động 3. Mực nước tại các sông chính từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế, tại các sông ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum lên mức báo động1- báo động 2 và trên báo động 2. Mực nước tại các sông nhỏ lên mức báo động 3.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc (vùng biển ngoài khơi các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi); 118,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính có gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên vào khoảng 140km tính từ tâm bão.

Đến 13 giờ ngày 3/11, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc (vùng biển ngoài khơi các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam); 113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc (vùng biển ngoài khơi các tỉnh, thành phố từ Khánh Hòa đến Quảng Trị); từ kinh tuyến 111,5 đến 120,0 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

[Infographics] Đường đi của cơn bão số 10 trên Biển Đông

Đến 13 giờ ngày 4/11, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc (vùng biển ngoài khơi các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi); 110,8 độ Kinh Đông, cách Quảng Nam khoảng 250km, cách Quảng Ngãi và Bình Định khoảng 190km, cách Phú Yên khoảng 210km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Đến 13 giờ ngày 5/11, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,4 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Từ 13 giờ ngày 5 đến 6/11, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km và tiếp tục suy yếu. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3.

Tại cuộc họp ngày 2/11 tại Hà Nội về ứng phó với bão số 10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đã yêu cầu các tỉnh, thành phố chủ động ứng phó với bão số 10, trong đó có việc tập trung kêu gọi tàu thuyền vào nơi an toàn tránh trú và không di chuyển vào vùng nguy hiểm, đồng thời sơ tán dân khỏi các lồng bè, chòi canh, những khu vực nguy hiểm trước khi bão ảnh hưởng tới đất liền.

Các chuyên gia khuyến cáo: Khi tàu, thuyền đang ở xa bờ biển thì người điều khiển tàu, thuyền phải tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới.

Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới thì phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc-Đông Bắc.

Nếu tàu thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới thì cho tàu thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam-Tây Nam.

Cần chú ý rằng khi lái tàu, thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển thì người điều khiển phải luôn luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350 đến 400 km-khoảng 200 hải lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục