Ngày 14/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 190/TWPCTT gửi Bộ Công thương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc đảm bảo an toàn công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện.
Theo đó, trong thời gian qua, phần lớn các thủy điện đã hoạt động hiệu quả, tham gia cắt lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du.
Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng một số thủy điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ do tư nhân quản lý chưa thực hiện đúng các quy định về tích nước và vận hành; điển hình như trường hợp thủy điện Đắk Kar (Đắk Nông) và gần đây nhất là thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, Thừa Thiên-Huế) gây mất an toàn cho hạ du.
Các sự việc trên đã được phản ảnh nhiều trên các cơ quan thông tấn báo chí cũng như sự quan tâm của các đại biểu tại nghị trường Quốc hội.
Để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện, trước mắt nhằm chủ động ứng phó với bão số 13 và mưa lũ sau bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam và Ủy ban nhân dân các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo các cơ quan chức năng, các chủ hồ và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về tích nước, vận hành cũng như các phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa theo quy định.
Phát hiện kịp thời và có các biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
Đối với trường hợp vi phạm tại thủy điện Thượng Nhật: Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ việc chấp hành của chủ hồ; đồng thời xử lý nghiêm khắc theo quy định, tránh để xảy ra tình trạng tương tự.
Liên quan đến công tác ứng phó bão số 13, ngày 14/11, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cùng các đơn vị chức năng, đã đến kiểm tra công tác ứng phó với bão số 13 (tên quốc tế Vamco) tại một số khu vực nhà ven biển phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), các nhà tránh trú bão tại quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang.
Kiểm tra các nhà ven biển khu vực phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu bố trí các lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa; tiếp tục kiểm tra, rà soát các tàu thuyền trên biển; sẵn sàng phương án chủ động di dời người dân ứng phó với cơn bão.
[Các tỉnh miền Trung căng mình ứng phó với hoàn lưu bão số 13]
Tại các nhà tránh trú bão quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết đã ân cần hỏi thăm sức khỏe của người dân, tìm hiểu về điều kiện sinh hoạt nơi trú bão và động viên bà con cùng vượt qua những khó khăn trước mắt, không nên chủ quan với cơn bão số 13.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu kiểm tra lại một lần nữa tình hình sơ tán, không để bất kỳ người dân nào ở lại khu vực nguy hiểm, nước ngập sâu, gió giật mạnh.
“Chính quyền địa phương phải bảo đảm an toàn, lương thực, thực phẩm, điều kiện sinh hoạt cho người dân tại các điểm sơ tán dân. Tất cả những nơi tránh trú bão, đón người dân sơ tán phải được kiểm tra, gia cố lại chắc chắn,” Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu cho biết, ngay khi nhận được ý kiến chỉ đạo của thành phố và thông tin về đường đi của bão, Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu đã họp triển khai phương án ứng phó đến các địa phương, tổ chức các lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa.
Hiện, việc gia cố nhà cửa đã hoàn thành; 152 tàu, thuyền cũng được đưa đến nơi trú tránh an toàn.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu, địa phương dự kiến sẽ di dời 59.000 nhân khẩu, trong đó có 42.000 nhân khẩu di chuyển từ những nhà không kiên cố đến nhà kiên cố; còn khoảng 17.000 nhân khẩu di dời đến các cơ sở tập trung như trường học, nhà văn hóa cộng đồng, kí túc xá sinh viên của trường Cao đẳng, Đại học…
“Hiện nay, việc di dời tại chỗ đã hoàn thành 40%, việc di dời đến các nơi tập trung được 30%”, ông Nguyễn Đăng Huy thông tin.
Trước đó, chiều 13/11, Đoàn công tác ứng phó bão số 13 do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết dẫn đầu cũng đã có buổi kiểm tra thực tế trên địa bàn quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 10 giờ, ngày 14/11, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17.
Hiện bão đang cách thành phố Đà Nẵng khoảng 290km, tỉnh Thừa Thiên-Huế khoảng 380km, tỉnh Quảng Trị khoảng 435km.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 19 giờ ngày 14-11, vị trí tâm bão ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15./.