Bão số 9 đổi hướng Đông Bắc, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo dự báo, đến 13 giờ ngày 21/12, bão số 9 di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc sau đổi hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Bão số 9 đổi hướng Đông Bắc, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ảnh 1Bản đồ đường đi của bão số 9 trên biển Đông. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão số 9 ở khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Bắc Tây Bắc.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.

Theo dự báo, đến 13 giờ ngày 21/12, bão số 9 di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc sau đổi hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 114,6 độ Kinh Đông, cách Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 150km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

[Các tỉnh, thành phố ứng phó với bão số 9 và sớm phục hồi sản xuất]

Vùng nguy hiểm trên biển đến 13 giờ ngày 21/12 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 109,5 đến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Đến 13 giờ ngày 22/12, áp thấp nhiệt đới đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Đông, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc Biển Đông.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông đến 13 giờ ngày 22/12 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 113,0 đến 118,0 độ Kinh Đông.

Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3.

Trên biển, chiều 20/12, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2-4m; biển động.

Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông, khu vực quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 4-6m; biển động rất mạnh.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa, bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố nêu trên thực hiện nghiêm Công điện số 1737/CĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 26/CĐ-QG ngày 16/12/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ứng phó với mưa, bão đồng thời theo dõi chặt chẽ thông tin các tàu đang trú tránh trên đảo và trên biển, hướng dẫn neo trú, di chuyển để đảm bảo an toàn, nhất là số tàu đang trú tránh và ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Bắc Biển Đông.

Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công; chủ động vận hành đón lũ, đồng thời phải đảm bảo an toàn công trình và hạ du; tiêu nước đệm bảo vệ sản xuất.

Đối với các đảo, tổ chức sắp xếp các phương tiện, tàu thuyền tại nơi neo đậu, không để người trên các phương tiện, tàu thuyền tại khu neo đậu và trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn; chủ động triển khai phương án di dời, sơ tán người dân, đặc biệt là tại các nhà ở có nguy cơ cao xảy ra mất an toàn.

Các đơn vị nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục