Để thực sự đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, giàu từ biển, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, công tác bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới.
Cần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển
Trong những năm qua, kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đã và đang trở thành những khu vực phát triển tốc độ cao, xu hướng tiến ra biển, khai thác biển, làm giàu từ biển đã được nhiều địa phương triển khai hiệu quả, đem lại lợi ích to lớn cho đất nước.
Tuy vậy, việc quản lý và bảo vệ môi trường biển theo hướng phát triển bền vững còn nhiều bất cập.
Tiến sỹ Đặng Trung Tú ở Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, nhưng sâu xa là vấn đề nhận thức.
Các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và người dân còn chưa thực sự đặt vấn đề bảo vệ môi trường biển lên hàng đầu.
Trong tư duy phát triển kinh tế biển, nhiều địa phương vẫn xem trọng các yếu tố kinh tế, tăng trưởng ngắn hạn hơn các yếu tố môi trường; coi trọng lợi ích trước mắt hơn các lợi ích lâu dài.
Cùng với đó, các yêu cầu phát triển bền vững giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường biển chưa được quán triệt đầy đủ, sâu sắc trong các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển và các đề án, dự án cụ thể... dẫn đến việc thực thi không nghiêm, không hiệu quả.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương với địa phương trong việc ứng phó với tình trạng ô nhiễm môi trường biển chưa tạo được mối liên hệ chặt chẽ, thuận tiện.
Bên cạnh đó, các quy định xử phạt của Việt Nam còn thiếu mà lại chồng chéo, mức độ xử phạt còn thấp cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm biển và xâm hại tài nguyên thiên nhiên biển gia tăng.
Để vấn đề bảo vệ môi trường biển thực sự hiệu quả, gìn giữ và khai thác tài nguyên thiên nhiên biển hợp lý, phục vụ cho sự phát triển bền vững kinh tế biển, Tiến sỹ Nguyễn Trung Tú cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường, đặc biệt đối với các dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng ven biển, trên biển, trên các đảo, cụm đảo; cần kiểm soát chặt chẽ các hoạt động lấn biển, nhận chìm chất thải; kiểm soát, ngăn chặn hoàn toàn việc đổ chất thải nguy hại xuống biển dưới mọi hình thức.
Trong giai đoạn tới, nước ta cần tập trung tăng cường năng lực ứng phó nhanh, hiệu quả với các sự cố môi trường ở các vùng cửa sông ven biển và trên biển; xã hội hóa, kêu gọi đầu tư từ khối doanh nghiệp trong hoạt động giám sát và ứng phó sự cố môi trường biển; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ các yêu cầu về điều kiện, năng lực ứng phó sự cố của tàu, thuyền hoạt động trên biển hoặc đi qua các vùng biển Việt Nam.
Khu bảo tồn biển di động
Tiến sỹ Dư Văn Toán, Viện nghiên cứu biển và hải đảo thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết, hiện tài nguyên sinh vật và các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo Việt Nam đã và đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường, khai thác hải sản hủy diệt, đô thị hóa, sử dụng thiếu quy hoạch bãi triều, nuôi trồng hải sản, sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng, axít hóa đại dương, giao thông hàng hải.
Bởi vậy, cần áp dụng nhiều cách tiếp cận để bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phục vụ phát triển kinh tế bền vững.
[Bảo tồn biển Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề cấp bách hiện nay]
Tiến sỹ Dư Văn Toán cho biết, khu bảo tồn biển cố định có tác dụng bảo vệ các cá thể sống cố định, không di cư nhưng lại không hiệu quả trong việc bảo vệ các loài di cư. Một số loài sinh vật biển sống di cư trong phạm vi hàng nghìn km như cá ngừ, cá kiếm, rùa biển, động vật có vú sống ở biển như cá voi, các loài chim biển...
Khi đi khỏi khu vực bảo tồn, chúng có nguy cơ trở thành đối tượng bị đánh bắt.
Một giải pháp để bảo vệ các loài di cư là thiết lập các khu bảo tồn biển di động có vùng ranh giới biển linh hoạt và biến động trên các vùng biển quốc tế và xuyên quốc gia.
Các loài di cư sẽ được bảo vệ nhờ các vùng bảo tồn di chuyển theo con đường di cư của loài. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, nếu các quốc gia cùng chung tay hành động thì việc quản lý các khu bảo tồn biển di động sẽ trở thành hiện thực nhờ sự trợ giúp của các công nghệ viễn thám và truyền số liệu qua vệ tinh.
Tiến sỹ Dư Văn Toán nêu rõ, theo các nghiên cứu, đánh giá hiện nay, mô hình bảo tồn đa dạng sinh học hiện có trên vùng biển Việt Nam chỉ đạt 0,4% diện tích bảo tồn biển.
Trong khi đó, chỉ tiêu được nêu ra trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cần chiếm ít nhất 4% diện tích bảo tồn biển vào năm 2030 và 6% diện tích bảo tồn biển vào năm 2045. Vì vậy, cần bổ sung cách tiếp cận mới trong bảo vệ đa dạng sinh học biển tại Việt Nam.
Để thực hiện được khu bảo tồn biển di động, nước ta cần có các nghiên cứu ngay từ bây giờ để xây dựng bộ tiêu chí và thiết lập hệ thống các khu bảo tồn biển di động trên vùng biển Việt Nam, đặc biệt khu vực biển ngoài khơi gần với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Việt Nam cũng có thể kết nối hệ thống 16 khu bảo tồn biển cố định, các khu bảo vệ san hô, khu dự trữ nguồn lợi hiện có với các khu bảo tồn biển di động mới để hoàn chỉnh hệ thống bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam.
Điều này có thể đáp ứng chỉ tiêu gia tăng diện tích bảo tồn biển lên 4% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030 theo mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cần triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo tồn biển
Tiến sỹ Nguyễn Trung Tú cho rằng Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định rõ công tác bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển trong thời gian tới.
Theo đó, Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp lớn như: tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn đa dạng sinh học biển nói riêng; trong đó chú trọng đến các cơ chế toàn cầu và khu vực mà các điều ước và diễn đàn quốc tế đang quan tâm.
Bên cạnh đó, nước ta cần tiếp tục mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia, trong đó chú trọng việc bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển…
Ngoài ra, thời gian tới, các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển cần được chú trọng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế để thúc đẩy việc thành lập và quản lý các khu vực biển có giá trị quan trọng; tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế trong các lĩnh vực: nâng cao năng lực và nhận thức, hướng dẫn người dân tại các khu bảo tồn biển chuyển đổi sinh kế…
Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Trần Nguyên Hùng cho biết, để triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng cục Thủy sản đề xuất, kiến nghị với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ một số nội dung như có cơ chế, chính sách và quan tâm đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý khu bảo tồn biển; đầu tư phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái; quản lý, bảo tồn, bảo vệ các loài thủy sinh quý, hiếm và có giá trị kinh tế, khoa học đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Cùng với đó, các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng thủy hải sản cần được tăng cường, quản lý chất lượng theo chuỗi sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc; đặc biệt về chất lượng giống, thức ăn, thuốc thú y và các chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, các chất bảo quản sản phẩm thủy sản; tăng cường kiểm tra, kiểm điều kiện an toàn của tàu thuyền trong khai thác thủy hải sản; kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác, công tác quản lý an toàn lao động nghề cá.
Ngoài ra, trong thời gian tới, các mô hình quản lý nhà nước có sự tham gia của cộng đồng cần được nhân rộng; khuyến khích các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ; phối hợp hiệu quả giữa nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng, đặc biệt là các dự án phát triển nuôi trồng, chế biến thủy hải sản cần được kiểm soát chặt chẽ; cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản./.