Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 26/5, Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã cùng với Phái đoàn Niger, Costa Rica, Bỉ, Thụy Sĩ, Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) và tổ chức PAX đã tổ chức cuộc thảo luận trực tuyến với chủ đề “Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang là bảo vệ thường dân.”
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ của Liên hợp quốc về bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang năm 2021 này có sự tham gia của hơn 100 đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo và bảo vệ môi trường.
Đây cũng là lần thứ hai Việt Nam đồng tổ chức sự kiện bên lề về chủ đề này.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế; cho rằng trong xung đột vũ trang, môi trường tự nhiên trở thành nạn nhân, bị tấn công, bị hủy hoại và ô nhiễm, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, gây ra các hậu quả nhân đạo, sức khỏe công cộng.
[Việt Nam lên án bạo lực, khủng bố nhằm vào dân thường tại Somalia]
Đại sứ nhấn mạnh trong giai đoạn hậu xung đột, khắc phục tác động môi trường và phục hồi môi trường tự nhiên có thể đóng góp vào tái thiết, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, xây dựng hòa bình bền vững.
Đại sứ Đặng Đình Quý nêu rõ trong tháng 4/2021 khi Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an, cơ quan này đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu với sự sống của người dân, tạo khuôn khổ tiếp tục xem xét các tác động trực tiếp, gián tiếp của xung đột đến người dân, qua đó khẳng định cam kết mạnh mẽ của Hội đồng Bảo an về bảo vệ thường dân, thúc đẩy tuân thủ luật nhân đạo quốc tế.
Đại sứ chia sẻ, chất độc da cam/dioxin gây hậu quả nặng nề đối với con người và môi trường ở Việt Nam. Hiện có tới 3 triệu người Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hàng trăm nghìn ha đất bị nhiễm độc dioxin.
Việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin cần nhiều nguồn lực và thời gian. Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế trong công tác tẩy độc chất da cam/dioxin và trợ giúp các nạn nhân.
Ông Chris Harland, cố vấn pháp lý của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, nhấn mạnh luật nhân đạo quốc tế quy định về bảo vệ môi trường tự nhiên như đối tượng dân sự và cấm hành vi phá hủy môi trường nghiêm trọng và trên diện rộng, khẳng định bảo vệ môi trường là bảo vệ thường dân.
Ông Wim Zwijnenburg, chuyên gia của PAX, cho biết qua theo dõi tình hình xung đột tại Iraq, Syria, Libya, Yemen có thể thấy môi trường và các hạ tầng môi trường trở thành đối tượng bị tấn công, thiệt hại, nguồn nước bị ô nhiễm, đầu độc, bị sử dụng làm vũ khí, giành lợi thế trong xung đột; tác động của suy thoái môi trường cộng hưởng với nạn đói do xung đột, khủng hoảng khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân.
Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, ông Dominick de Waal cho rằng cần điều phối hành động giữa các cơ quan phát triển và nhân đạo trong tăng cường khả năng chống chịu của người dân.
Bà Johana Bretou-Klein, nghiên cứu viên Trường Kinh tế London (LSE), cho biết theo nghiên cứu chung với UNEP và OCHA, cần có giải pháp lâu dài về theo dõi, thu thập dữ liệu, lồng ghép vấn đề môi trường và khắc phục thiệt hại của xung đột với môi trường, tăng khả năng chống chịu của người dân địa phương.
Tuần lễ Bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang diễn ra trong thời gian 24-28/5/2021 là sự kiện thường niên, bên lề thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về bảo vệ dân thường.
Ngoài chủ đề bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang, tuần lễ năm nay còn gồm các phiên thảo luận về bảo vệ dịch vụ y tế, bảo vệ cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh, nạn đói do xung đột cũng như vai trò của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc./.