Việt Nam thúc đẩy vấn đề bảo vệ cơ sở thiết yếu của người dân

Là một nước từng trải qua nhiều đau thương, mất mát của chiến tranh, Việt Nam có lợi ích và nhu cầu trong thúc đẩy vấn đề bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề 'Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân.' (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề 'Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân.' (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021, tối 27/4, tại Hà Nội, Việt Nam tổ chức Phiên thảo luận mở Bộ trưởng về chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” theo hình thức trực tuyến.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Phiên thảo luận.

Là một nước từng trải qua nhiều đau thương, mất mát của chiến tranh, Việt Nam có lợi ích và nhu cầu trong thúc đẩy vấn đề bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang, cũng như sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm, bài học thực tiễn.

Việc Việt Nam tham gia tích cực và thúc đẩy sáng kiến về vấn đề này mang nhiều ý nghĩa lớn cho các nước thành viên Liên hợp quốc nói riêng, cho khu vực và quốc tế nói chung.

Vấn đề bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu cần được quan tâm đúng mức

Các cuộc xung đột vũ trang kéo dài không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về tính mạng của người dân mà còn kéo theo hàng loạt hậu quả nặng nề khi các cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với cuộc sống của người dân như cơ sở sản xuất lương thực, điện, nước, trường học, bệnh viện, cơ sở vệ sinh, xử lý chất thải… bị phá hủy hoặc không thể vận hành, điển hình như trong các cuộc xung đột ở Syria, Yemen, Iraq, Afghanistan, Somalia, Angola, Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Djibouti, Eritrea, Ethiopia, Liberia, Mozambique, Rwanda, Sierra Leone, Somalia và Sudan.

Theo thống kê trong Báo cáo thường niên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang năm 2019 và 2020, hơn 50 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi những cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách về các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock cho biết trong 30 năm qua, đã có một số tiến triển đối với việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế để bảo vệ dân thường cũng như các cơ sở hạ tầng thiết yếu rất quan trọng đối với sự sống còn của người dân. Tuy nhiên, những tiến bộ này vẫn chưa đủ, nhiều nhóm xung đột vẫn phá hủy những cơ sở hạ tầng thiết yếu và đe dọa mạng sống của người dân.

Trong bối cảnh xung đột, không chỉ là đối tượng bị tấn công phá hoại có chủ đích, các cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thường xuyên phải chịu thiệt hại gây ra bởi các cuộc tấn công trên diện rộng vào các khu vực đông dân cư hoặc được sử dụng như một công cụ để kiểm soát địa bàn bởi các bên liên quan trong xung đột, đặc biệt là các nhóm vũ trang phi nhà nước.

Đặc biệt, do các cơ sở hạ tầng thiết yếu có sự liên kết với nhau nên việc một hoặc một số cơ sở bị tấn công có thể tạo nguy cơ ảnh hưởng tới vận hành của toàn bộ hệ thống.

Ông Mark Lowcock dẫn giải đến một số cơ sở hạ tầng thiết yếu liên quan đến sản xuất lương thực, thực phẩm, nguồn nước, hệ thống y tế…; cho rằng những cơ sở này liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân, dẫn đến nguy cơ người dân bị thiệt mạng.

Việc tấn công, phá hủy cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang sẽ cản trở khả năng tiếp cận, sử dụng nhu yếu phẩm và các dịch vụ thiết yếu của người dân.

Bên cạnh đó, điều này cũng để lại nhiều tác động nhân đạo lâu dài, nghiêm trọng, ảnh hưởng tới các nỗ lực khắc phục hậu quả xung đột, khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội; có khả năng gây bùng phát bất ổn, xung đột mới.

Theo ước tính của Liên hợp quốc vào tháng 8/2017, xung đột ở Syria đã khiến 540.000 người dân nước này không được tiếp cận nước uống, lương thực và các dịch vụ cơ bản khác như dịch vụ y tế.

Việc tấn công, phá hủy các cơ sở hạ tầng thiết yếu còn làm trầm trọng tình trạng người dân bị buộc phải rời bỏ nơi cư trú, ảnh hưởng tới khả năng ứng phó, giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo như mất an ninh lương thực, bùng phát dịch bệnh, thiên tai…

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, việc đảm bảo hoạt động của các cơ sở hạ tầng cung cấp và phân phối nước sạch, xử lý rác thải, vệ sinh dịch tễ, bệnh viện có ý nghĩa quan trọng góp phần ngăn ngừa dịch bệnh lây lan rộng rãi, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp, viện trợ vaccine ở các khu vực xung đột.

Phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng nhất của tình trạng này. Điều này cũng để lại những hệ quả lâu dài đối với môi trường tự nhiên, cũng như đối với quá trình tái thiết hậu xung đột, xây dựng hòa bình. Do đó, việc bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang là bảo vệ sự sống còn của người dân.

[HĐBA thông qua nghị quyết bảo vệ người dân tại các khu vực xung đột]

Muốn làm được điều này, ông Mark Lowcock cho rằng, các quốc gia cần nâng cao ý thức tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, sử dụng đối chính trị, các trừng phạt kinh tế để tăng cường hơn nữa các giải pháp bảo vệ người dân.

Bên cạnh đó, không sử dụng các vật liệu nổ, vũ khí sát thương trong khu vực đô thị nhằm tránh thương vong lớn.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Mark Lowcock đặc biệt nhấn mạnh đến việc lên án, trừng phạt nghiêm khắc các bên vi phạm luật nhân đạo quốc tế.

Đưa ra lời cảnh báo tại Phiên thảo luận: “Không có hành động khẩn cấp để bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu, chúng ta sẽ phải đối mặt với thảm họa nhân đạo diện rộng," Chủ tịch Ủy ban quốc tế chữ thập đỏ quốc tế Peter Maurer khẳng định ngăn chặn thiệt hại ngay từ đầu là vô cùng quan trọng. Chỉ bằng cách bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu mới không đẩy hàng triệu người rơi vào khủng hoảng.

Ông Peter Maurer kêu gọi tất cả các bên liên quan, đặc biệt là Hội đồng Bảo an, thể hiện vai trò lãnh đạo của mình để những người phải sống trong sự tàn khốc của chiến tranh bớt đi gánh nặng đang mang trên mình.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tiễn

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam rất thấu hiểu những hậu quả của xung đột với việc sau hàng thập kỷ chiến tranh, cơ sở hạ tầng thiết yếu của Việt Nam không còn nguyên vẹn, từ trường học, bệnh viện, đường sá, lưới điện, hệ thống các công trình và nước sạch đều bị phá hủy, trong khi đất canh tác và môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Nhấn mạnh bảo vệ người dân luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Hội đồng Bảo an, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng Hội đồng Bảo an cần nhấn mạnh tinh thần tuân thủ quy định của tất cả các bên liên quan trong xung đột, đó là việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Việt Nam thúc đẩy vấn đề bảo vệ cơ sở thiết yếu của người dân ảnh 1Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng về chủ đề 'Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân.' (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Các bên phải tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, nghiêm cấm sự tấn công tàn phá các cơ sở hạ tầng thiết yếu với sự sống còn của người dân. Hội đồng Bảo an cũng cần xem xét các cơ sở hạ tầng theo mối tương quan chung để bảo đảm bảo vệ được toàn bộ hệ thống.

Cũng theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, hợp tác với các đối tác vẫn đóng vai trò then chốt trong hỗ trợ, phục hồi, tăng khả năng ứng phó của người dân trong các cuộc xung đột vũ trang. Do đó, Hội đồng Bảo an cần thúc đẩy, phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên, tổ chức quốc tế, tổ chức nhân đạo trong hỗ trợ tái thiết các cơ sở hạ tầng cơ bản, khôi phục dịch vụ thiết yếu cho người dân.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đặc biệt lưu ý cách bảo vệ người dân tốt nhất chính là ngăn ngừa những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến xung đột như: đói nghèo, bất bình đẳng, thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế…

Tại Phiên thảo luận, các đại biểu tham dự đều đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam và khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và vai trò của Liên hợp quốc trong bảo vệ dân thường và các cơ sở thiết yếu trong bối cảnh xung đột. Điều này được minh chứng bằng việc Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết về vấn đề Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống còn của người dân với 15/15 phiếu thuận.

Việc Việt Nam tham gia tích cực và thúc đẩy sáng kiến về chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” thể hiện chính sách đối ngoại nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; thể hiện tinh thần, trách nhiệm trên cương vị Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khẳng định vị thế, phát huy vai trò tích cực của ta trong vấn đề “Bảo vệ thường dân," một trong những chủ đề lớn nhận được sự quan tâm, thúc đẩy của quốc tế trong thời gian gần đây tại Hội đồng Bảo an và các diễn đàn quốc tế, và bảo vệ cơ sở thiết yếu là lĩnh vực chưa được thảo luận một cách tổng thể.

Đây cũng là cơ hội quý báu để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và nỗ lực trong tái thiết hậu xung đột, khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần thu hút sự quan tâm, nguồn lực của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này.

Đồng thời, đây là dịp để Việt Nam phát huy vai trò, đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy tôn trọng và thực hiện luật pháp quốc tế nói chung và luật nhân đạo quốc tế nói riêng, đóng góp vào các nỗ lực chung về xây dựng hòa bình và thiết lập một nền hòa bình bền vững, là ưu tiên tổng thể của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục