Bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình: Hiểu rõ để tránh rủi ro

Người thứ ba ngay tình là người đang chiếm hữu tài sản ngay tình, nghĩa là người đó có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu vì không biết.
Tiến sỹ Đinh Thế Hưng. (Nguồn: congly.vn)

Trong các giao dịch dân sự, kinh tế, khái niệm “người thứ ba ngay tình” đang được sử dụng ngày càng phổ biến và được pháp luật quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu.

Đặc biệt, trong giải quyết dân sự tại các vụ án hình sự, việc áp dụng các quy định cho người thứ ba ngay tình cũng ngày càng nhiều, nhằm đưa ra những phán quyết công minh, khách quan.

Mới đây nhất, trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đơn đề nghị được bảo vệ quyền người thứ ba ngay tình.

Để tìm hiểu về khái niệm người thứ ba ngay tình, các quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng…, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Đinh Thế Hưng (Trưởng phòng Tư pháp Hình sự - Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

- Xin ông cho biết khái niệm về “Người thứ ba ngay tình” trong các giao dịch dân sự, kinh tế?

Tiến sỹ Đinh Thế Hưng: Người thứ ba ngay tình là người đang chiếm hữu tài sản ngay tình, nghĩa là người đó có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu vì không biết và không buộc phải biết rằng người đã thực hiện giao dịch với mình không có quyền chuyển giao đối với tài sản giao dịch.

Họ hoàn toàn trung thực, ngay thẳng khi tham gia vào giao dịch đó. Điều đó có nghĩa là khi tham gia vào giao dịch, người này hoàn toàn tin rằng người giao dịch là người có quyền giao dịch và giao dịch đáp ứng các điều kiện để giao dịch có hiệu lực.

[Vụ Ethanol Phú Thọ: Chủ mới biệt thự Tam Đảo đệ đơn kháng cáo]

Trong trường hợp ngược lại, người này biết hoặc buộc phải biết người tham gia giao dịch không có quyền giao dịch thì không được coi là người thứ ba ngay tình và không được bảo vệ trước chủ sở hữu tài sản ban đầu. Người không có quyền giao dịch là người giao dịch không phải chủ sở hữu hay được chủ sở hữu tài sản cho phép.

Ví dụ như, ông A mua một ô tô của ông B, nhưng chiếc xe này thuộc sở hữu chung vợ chồng ông B, ông B không có quyền tự mình bán. Sau đó, ông A bán chiếc xe này cho ông C. Vợ ông B kiện đòi lại chiếc ôtô. Lúc này, có thể ông C sẽ là người thứ ba ngay tình nếu chứng minh mình không biết hoặc không thể biết chiếc xe đó là sở hữu chung.

Một ví dụ khác, ngân hàng nhận thế chấp đất và nhà của ông M. Mảnh đất này ông M nhận chuyển nhượng từ ông N, nhưng việc chuyển nhượng này là không hợp pháp. Lúc này, ngân hàng trở thành người thứ ba ngay tình nếu chứng minh họ không thể biết hoặc không buộc phải biết giao dịch giữa ông M và ông N là không hợp pháp.

Giao dịch liên quan đến người thứ ba ngay tình như trên khá phổ biến trong đời sống dân sự, kinh tế. Trong lĩnh vực hình sự cũng có thể có tình trạng tương tự khi một người mua phải tài sản bất hợp pháp do phạm tội mà có mà họ không thể biết và không buộc phải biết đây là tài sản do phạm tội mà có.

Khu biệt thự rộng 3.400m2 ở thị trấn Tam Đảo trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ. (Nguồn: cand.com.vn)

- Theo ông, người thứ ba ngay tình có khả năng gặp những rủi ro gì?

Tiến sỹ Đinh Thế Hưng: Khi có được những tài sản từ giao dịch nói trên, rõ ràng người thứ ba ngay tình sẽ gặp rủi ro khi chủ sở hữu hợp pháp của tài sản đó đòi lại tài sản.

Ngoài ra, nếu mua phải tài sản do phạm tội mà có nhưng không biết và không buộc phải biết tài sản do phạm tội mà có, tuy không phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng tài sản đó sẽ có thể bị tịch thu để trả lại cho chủ sở hữu. Bên cạnh đó, để được pháp luật bảo vệ thì người thứ ba ngay tình cũng phải chứng minh mình ngay tình.

Đây cũng là vấn đề rất khó nếu không chứng minh được mình ngay tình thì quyền lợi sẽ khó được pháp luật bảo vệ. Ví dụ như, chị H đã chuyển nhượng mảnh đất với giá rẻ cho chị V. Mảnh đất này chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì ham rẻ và không am hiểu pháp luật nên chị V đồng ý mua.

Theo quy định của Luật Đất đai thì đất chuyển nhượng phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, trong trường hợp này chị V không là người thứ ba ngay tình, vì đối với những loại tài sản cụ thể như quyền sử dụng đất thì chị V buộc phải biết quy định phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Pháp luật có những quy định gì để bảo vệ người thứ ba ngay tình, thưa ông?

Tiến sỹ Đinh Thế Hưng: Để bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình, Điều 133 - Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này. Tài sản không phải đăng ký ở đây có thể là tiền, kim loại quý hay gia súc…

Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu. Tài sản phải đăng ký như bất động sản, phương tiện giao thông bắt buộc phải đăng ký….

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Trên thực tế, giao dịch liên quan đến người thứ ba ngay tình khá phổ biến và tranh chấp liên quan đến người thứ ba ngay tình yêu cầu Tòa án giải quyết không phải là hiếm. Ví dụ, vợ chồng ông A chết có di chúc để lại di sản là 500 m2 đất vườn và căn nhà trên đất cho anh B và anh D (con của vợ chồng ông A).

Sau đó, anh B được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mảnh đất này và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cùng căn nhà trên đất trên cho bà C. Bà C đã sang tên sổ đỏ mang tên bà. Thời gian sau có anh D kiện yêu cầu bà C trả lại đất để chia di sản.

Lúc này, bà C là người thứ ba ngay tình trong giao dịch nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với anh B. Căn cứ Điều 133, khoản 2 - Bộ luật Dân sự năm 2015, Tòa tuyên bố bác đơn yêu cầu của anh D và công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của bà C.

- Xin ông cho biết thực tiễn áp dụng pháp luật trong các trường hợp bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình và các vấn đề được đặt ra?

Tiến sỹ Đinh Thế Hưng: Về cơ bản, pháp luật đã có cơ chế bảo vệ người thứ ba ngay tình. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia giao dịch dân sự, kinh tế, các chủ thể ngoài việc hiểu biết pháp luật cần phải tìm hiểu thông tin để rõ nguồn gốc tài sản của chủ sở hữu giao dịch với mình có được thông qua giao dịch hợp pháp không.

Vấn đề tiếp theo cần chứng minh được yếu tố ngay tình của mình, nhất là những giao dịch có giá trị lớn hay liên quan đến bất động sản, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu.

Tuy nhiên, pháp luật cũng cần quy định cụ thể thế nào được xem là người thứ ba ngay tình, cần có những hướng dẫn cụ thể về việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng khi tham gia giao dịch với người thứ ba ngay tình như tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán, vàng bạc có giá trị lớn để từ đó có những giới hạn nhất định cho các bên tham gia giao dịch nhằm bảo đảm quyền lợi của vợ (chồng) cũng như quyền lợi của các thành viên khác trong gia đình.

Trên thực tế, mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có những bổ sung, sửa đổi theo hướng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình, tuy nhiên quy định về bảo vệ bên thứ ba ngay tình trong Bộ luật Dân sự năm 2015 còn một số vấn đề cần hoàn thiện và có những giải thích chính thức.

Cụ thể, tại Điều 133, khoản 2 - Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.”

Vấn đề ở đây là phải hiểu như thế nào là “chuyển giao”? Việc đưa tài sản vào trong giao dịch thế chấp hay cầm cố có được xem như là việc chuyển giao tài sản hay không? Liên quan đến vấn đề này hiện vẫn có nhiều quan điểm trái chiều, trong đó có quan điểm cho rằng việc cầm cố hay thế chấp tài sản không phải là “chuyển giao” tài sản.

Hệ quả của quan điểm này là không thể áp dụng những quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015 về người thứ ba ngay tình để bảo vệ quyền lợi cho các chủ nợ như các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi họ bất đắc dĩ trở thành người nhận bảo đảm ngay tình.

Điều đó đòi hỏi cần có những giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật rõ hơn, cụ thể hơn trong các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật, thậm chí cả trong các án lệ của Tòa án… để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người thứ ba ngay tình, tạo dựng hành lang pháp lý vững chắc và hiệu quả cho các giao dịch dân sự, kinh tế.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục