Bảo vệ rừng - giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, cộng đồng dân tộc thiểu số đã tích cực thể hiện vai trò của mình, tích cực trong công tác bảo vệ rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhân dân xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị trồng rừng. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, cộng đồng dân tộc thiểu số đã tích cực thể hiện vai trò của mình, tích cực trong công tác bảo vệ rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Với họ, bảo vệ rừng là cách ứng phó tích cực và gần gũi với đời sống hàng ngày.

Để cộng đồng thực sự là chủ rừng

Qua bao đời nay, cộng đồng dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng bởi họ là những người dựa vào rừng để sống; gắn bó với rừng nên họ rất hiểu rừng. Rừng còn là tâm linh để họ thực hiện các nghi thức truyền thống.

Theo chị Đinh Thị Mỹ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế, người dân tộc thiểu số có các quy ước riêng theo phong tục tập quán về bảo vệ rừng, có những khu rừng thiêng kèm theo các quy định nghiêm ngặt theo tập tục mà không cá nhân hay tập thể nào xâm phạm được. Hằng năm vào tháng 4 và tháng 12 (âm lịch) có tập tục thờ thần rừng, thần núi, thần nước. Bà con có những quy ước riêng như không bao giờ xâm phạm cây cổ thụ, cây đa, cây si vì khi chặt phá sẽ bị ốm đau, bệnh tật.

Người dân tộc thiểu số biết sử dụng tiết kiệm các sản phẩm từ rừng, chỉ lấy đủ dùng cho từng ngày chứ không lấy thừa, không tận diệt khi họ hái măng, rau, quả... mà vẫn để lại gốc. Người dân tộc thiểu số có những tri thức trong khai thác và sử dụng rừng bền vững như khai thác và sử dụng rừng đúng thời vụ, tận dụng cây chết khô, đảm bảo cho cây rừng sinh trưởng, phát triển tốt. Họ cũng có kinh nghiệm, nhận biết các biểu hiện bất thường của thời tiết dựa vào sự thay đổi của rừng và các động, thực vật trên rừng để có biện pháp ứng phó. Khi nhìn thấy lá, hoa thay đổi đột ngột hoặc các loại động vật di chuyển, kêu bất thường thì nhất định sẽ có mưa, bão...

Cộng đồng dân tộc thiểu số có phương pháp bảo quản các loại hạt, cây giống địa phương bằng cách truyền thống như treo trên gác bếp, bỏ vào ống tre, nứa, quả bầu sẽ giữ được giống tốt và lâu hơn.

Cộng đồng dân tộc thiểu số sẽ thực hiện tốt các quy định về quản lý, bảo vệ rừng khi họ thực sự là chủ rừng bởi đó là quyền lợi và trách nhiệm của họ.

Ông Hà Huy Thông, dân tộc Nùng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho rằng người dân tộc thiểu số sẽ bảo vệ rừng tốt hơn khi là chủ rừng thực sự, bởi vậy cần được g iao đất gắn với giao rừng; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp gắn với tài sản trên đất.

Giải pháp ứng phó hiệu quả

Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức để giao cho người dân, duy trì tri thức bản địa và các phong tục tập quán bảo vệ rừng của người dân tộc, như những tri thức truyền thống, luật tục trong khai thác, bảo vệ rừng bền vững, cúng rừng thiêng, thổ công, thổ địa, thần rừng. Mối liên kết truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số trong bảo vệ rừng cũng cần được xây dựng, nhất là phải mở rộng giữa các cộng đồng, các dân tộc khác nhau.

Các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền về các luật, chính sách bằng tiếng, chữ dân tộc, tuyên truyền đến tận các thôn, buôn hẻo lánh; tăng cường đào tạo thêm các tuyên truyền viên là người địa phương; nâng cao năng lực nhận thức của cộng đồng dân tộc thiểu số về các luật, quy định, chính sách bảo vệ rừng, cũng như về biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững.

Kỹ thuật khai thác và sử dụng rừng có hiệu quả, đúng thời vụ, đảm bảo cho cây rừng sinh trưởng, phát triển tốt cũng cần được tuyên truyền, áp dụng rộng rãi. Việc trồng bổ sung rừng những nơi đã khai thác nên ưu tiên cây bản địa.

Các địa phương nên xây dựng hoặc lồng ghép nội quy bảo vệ rừng trong quy ước, hương ước thôn, buôn, các tổ quản lý, bảo vệ và trồng rừng gắn với các luật tục. Nhằm tăng cường công tác bảo vệ đa dạng sinh học của rừng, Nhà nước cần hạn chế chuyển rừng tự nhiên thành rừng trồng, không khai thác rừng và tài nguyên khoáng sản bừa bãi như vàng, cát, gỗ, quặng đồng thời cũng phải tạo sinh kế thay thế khác cho người dân để giảm áp lực từ việc khai thác rừng, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người dân, cấp giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, quy hoạch đất để làm ruộng, tăng cường đầu tư chăn nuôi ở các hộ gia đình.

Theo anh Ngần Văn Chín, dân tộc Thái, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, cần tăng vốn bảo vệ rừng, hỗ trợ trồng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để ổn định và phát triển cuộc sống; hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi cho đồng bào dân tộc phát triển sản xuất.

Cộng đồng các dân tộc thiểu số cần được hỗ trợ để bảo vệ tốt các khu rừng tự nhiên đang có, cải tạo đất bị sa mạc hóa không có khả năng canh tác, di dời, xây dựng nhà, chỗ ở thích hợp tránh xa nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho người dân tộc thiểu số để mở mang ngành nghề, tăng thu nhập, giảm áp lực tác động tới rừng.

Cộng đồng dân tộc thiểu số cần được hoàn trả những nỗ lực trong việc làm giảm thiểu phát thải và tích lũy khí nhà kính bằng hàng loạt các công việc thường ngày đang làm, như bảo vệ rừng tự nhiên, trồng rừng, trồng các cây bản địa dài ngày, chuyển đổi phương thức canh tác như không phát, đốt rừng.

Các nước có nền công nghiệp phát triển mạnh cần có nguồn kinh phí đóng góp để người dân tộc thiểu số chống mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng bền vững./.


Bài 1: Cộng đồng dân tộc thiểu số tổn thất nặng nề vì biến đổi khí hậu

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục