Bất chấp lệnh trừng phạt mới, Nga vẫn cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ

Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Putin vừa qua, hai bên nhất trí đẩy nhanh tiến độ, và theo đó Moskva sẽ bàn giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Ankara vào tháng 7/2019.
Bất chấp lệnh trừng phạt mới, Nga vẫn cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Hệ thống S-400 của Nga. (Nguồn: sputniknews)

Hãng Ria Novosti ngày 6/4 cho biết bất chấp các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, Nga sẽ vẫn cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ thông báo áp đặt lệnh trừng phạt lên 17 quan chức Nga, 7 nhà tài phiệt, 12 công ty được cho là có quan hệ gần gũi với Tổng thống Vladimir Putin, trong đó có Công ty Xuất khẩu Quốc phòng Nga (Rosoboronexport).

Trong khi đó, Rosoboronexport tuyên bố đã từ lâu công ty hoạt động trong điều kiện những biện pháp hạn chế của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố nêu rõ : "Tổng thống Tayyip Erdogan đã đưa ra câu trả lời rõ ràng, theo đó chủ đề Nga cung cấp hệ thống tên lửa S-400 đã khép lại, và thỏa thuận đã được chốt, sẽ không có bất cứ thay đổi nào, bất chấp việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt Rosoboronexport."

Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng mua một số tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga trị giá 2,5 tỷ USD hồi tháng 12/2017.

Theo hợp đồng ban đầu, phía Nga sẽ bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Putin vừa qua, hai bên nhất trí đẩy nhanh tiến độ, và theo đó Moskva sẽ bàn giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Ankara vào tháng 7/2019.

[Thổ Nhĩ Kỳ mua 2 hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga]

Việc Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua S-400 khiến Mỹ và một số nước phương Tây không hài lòng. Tuy nhiên, chính quyền Ankara khẳng định việc mua các hệ thống tên lửa phòng không này là để bảo vệ an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng trong ngày 6/4, Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo nhấn mạnh Moskva sẽ đáp trả nghiêm khắc những biện pháp trừng phạt của Mỹ. Moskva nhấn mạnh rằng không có bất cứ biện pháp gây áp lực nào có thể khiến Nga từ bỏ chính sách đã lựa chọn, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả nghiêm khắc bất cứ hành động khiêu khích nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.