Bất chấp phản đối từ Nga, NATO triển khai quân tới Romania

Theo Tổng thống Romania, số binh sỹ triển khai tại Romania lần này bao gồm của 10 nước thành viên NATO, trong đó có Italy, Canada và cả Romania.
Bất chấp phản đối từ Nga, NATO triển khai quân tới Romania ảnh 1Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại phiên họp Hội đồng Nghị viện NATO tại thủ đô Bucharest (Romania) ngày 9/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu triển khai một lực lượng đa quốc gia mới tại Romania.

Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã đưa ra thông báo trên trong phiên họp ngày 9/10 của Hội đồng Nghị viện NATO diễn ra tại thủ đô Bucharest (Romania), song không công khai quy mô quân số trong đợt triển khai này.

Theo Tổng thống Romania, số binh sỹ triển khai tại Romania lần này bao gồm của 10 nước thành viên NATO, trong đó có Italy, Canada và cả Romania.

Các binh sỹ này thuộc tất cả các binh chủng: bộ binh, không quân và hải quân, sẽ phối hợp với 900 binh sỹ Mỹ hiện đang có mặt tại Romania thực hiện các nhiệm vụ của NATO. Tổng thống Romania Iohannis khẳng định kế hoạch triển khai quân nói trên mang mục đích hòa bình, không phải chiến tranh. Ông Iohannis nhấn mạnh NATO cần một chiến lược dài hạn, cũng như cần đối thoại từ một vị thế phòng thủ mạnh mẽ.

Tuyên bố của ông Iohannis liên quan đến việc Nga lâu nay vẫn phản đối việc NATO triển khai quân sự tại khu vực phía Đông Âu, coi đây là mối đe dọa an ninh với Moskva.

Cũng trong ngày 9/10, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định Nga là láng giềng của NATO và liên minh quân sự này không muốn cô lập Nga cũng như không mong muốn xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mới. Tuy nhiên, ông cho biết trong thời gian qua, liên minh quân sự 29 nước thành viên đã tăng cường máy bay tuần tra tại khu vực Biển Đen, coi đây là việc làm cần thiết mang mục đích phòng vệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.