Ngày 13/11, tại một sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 23 về chống biến đổi khí hậu (COP 23) đang diễn ra ở thành phố Bonn của Đức, giới chức Mỹ đã lên tiếng bảo vệ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bất chấp sự phản đối của những đại biểu ủng hộ và thúc đẩy năng lượng sạch.
Chủ trì cuộc thảo luận về "Vai trò của các loại nhiên liệu hóa thạch sạch hơn và hiệu quả hơn và năng lượng hạt nhân trong giảm thiểu biến đổi khí hậu," các quan chức Mỹ và đại diện các công ty năng lượng đã đồng loạt bày tỏ ủng hộ một quan điểm gây tranh cãi khi lập luận rằng than đá và khí tự nhiên vẫn luôn có vai trò quan trọng, ít nhất trong một thời gian ngắn.
Dẫn các dự án của Cơ quan Năng lượng quốc tế, ông George David Banks, trợ lý đặc biệt về năng lượng và môi trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nêu rõ: "Rõ ràng, các nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng."
Theo ông Banks, thực tế trên cho thấy mối quan tâm của toàn cầu là đảm bảo các nhiên liệu hóa thạch phải được sử dụng "sạch và hiệu quả ở mức có thể."
[Các nước giàu bị cáo buộc gây trở ngại cho thực thi Hiệp định Paris]
Cũng theo quan chức này, lời cam kết của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tới năm 2025 sẽ cắt giảm 26-28% lượng phát thải khí nhà kính so với mức năm 2005 sẽ "đe dọa rất nhiều việc làm cũng như hủy hoại tính cạnh tranh của Mỹ."
Những lập luận trên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà hoạt động môi trường cũng như những đại biểu ủng hộ việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
Một số người đã thẳng thắn khẳng định rằng không bao giờ tồn tại "than đá sạch."
Bà Karen Orenstein thuộc tổ chức môi trường "Những người bạn của Trái Đất" đã mô tả hội nghị duy nhất do Mỹ chủ trì trong khuôn khổ COP 23 lần này đi ngược lại chủ trương ủng hộ năng lượng sạch của các quốc gia tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, phớt lờ người dân tại các nước nghèo trong bối cảnh cuộc sống của họ đang bị đe dọa và thậm chí bị hủy hoại do hậu quả thảm khốc của tình trạng biến đổi khí hậu.
Cựu Thị trưởng thành phố New York của Mỹ Michael Blooberg, đặc phái viên của Liên hợp quốc về các thành phố và biến đổi khí hậu, so sánh "việc thúc đẩy sử dụng than đá tại hội nghị về khí hậu chẳng khác nào việc quảng bá thuốc lá tại một hội nghị về ung thư."
Tương tự, Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama cho rằng việc thảo luận thêm về than đá là không cần thiết bởi tất cả mọi người đều hiểu những tác động của loại nhiên liệu hóa thạch này đối với biến đổi khí hậu.
Hiện hàng nghìn nhà ngoại giao, chuyên gia đang có mặt tại thành phố Bonn để thảo luận việc thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu sau khi Tổng thống Trump hồi đầu năm nay thông báo Washington rút khỏi thỏa thuận này.
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh các nước đang đối mặt với báo cáo u ám về tốc độ ấm lên của Trái Đất gia tăng, khiến các cơn bão, lũ lụt và những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, ngày càng mang tính hủy diệt hơn.
Theo kế hoạch, từ năm 2020, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C, thậm chí 1,5 độ C, so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).
Đây là ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ giúp Trái Đất tránh được những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán nặng, nước biển dâng và bão lớn./.