Bầu cử Duma Quốc gia Nga: Phép thử lòng tin của cử tri với ông Putin

Cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga được đánh giá là “phép thử lòng tin” của cử tri đối với đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền cũng như cá nhân Tổng thống Vladimir Putin.
Bầu cử Duma Quốc gia Nga: Phép thử lòng tin của cử tri với ông Putin ảnh 1(Nguồn: Sputnik)

Ngày 18/9, cử tri Nga đi bầu 450 đại biểu Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga.

Bối cảnh cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga khóa 7 khá đặc biệt, khi Xứ sở Bạch dương đang phải chống chọi với tình trạng nền kinh tế bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng nghiêm trọng do ảnh hưởng giá dầu lao dốc cùng các biện pháp trừng phạt kinh tế phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Do vậy, sự kiện chính trị này được đánh giá là “phép thử lòng tin” của cử tri đối với đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền cũng như cá nhân Tổng thống Vladimir Putin.

Cuộc bầu cử diễn ra theo hệ thống hỗn hợp, vốn được áp dụng trong cuộc bầu cử năm 2003, tức là 225 đại biểu sẽ được bầu theo danh sách các chính đảng, 225 đại biểu được bầu theo khu vực bầu cử.

Việc quay lại hệ thống bầu cử trước đây khiến số lượng các đảng phái chính trị đủ điều kiện tham gia chạy đua giành ghế đại diện trong Hạ viện khóa mới tăng lên con số 14.

Mặc dù số lượng đảng phái chính trị tăng vọt, nhưng theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, các “gương mặt” mới ít có khả năng vượt qua được ngưỡng tối thiểu bắt buộc 5% số phiếu ủng hộ của cử tri.

Trong khi đó, các chính đảng truyền thống như UR, đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF), đảng Dân chủ-Tự do Nga (LDPR) và đảng Nước Nga công bằng (SR) được dự báo sẽ tiếp tục “thống lĩnh” trong Duma Quốc gia khóa mới.

Tình hình thực tế tại nước Nga hiện nay khá khó khăn. Năm 2015, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 3,7% và dự báo sẽ còn giảm tiếp thêm 1,9% trong năm nay, trước khi có thể dần phục hồi từ năm 2017.

Nguyên nhân chính là do giá dầu mỏ và khí đốt, vốn đóng góp khoảng 50% nguồn thu ngân sách của Nga, giảm mạnh, và Moskva phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt với các buộc Nga ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine và sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea.

Theo giới chuyên gia, trong giai đoạn 2014-2017, Nga mất khoảng 600 tỷ USD do hai "cú sốc" trên.

Để thích nghi với tình hình mới, Chính phủ Nga đã liên tục cắt giảm chi tiêu công, giảm các khoản trợ cấp xã hội, khiến đời sống của người dân càng thêm chật vật. Tỷ lệ thất nghiệp cao, thu nhập thực tế của người dân giảm mạnh, trong khi số người nghèo tiếp tục tăng lên chóng mặt.

Cơ quan Thống kê liên bang Nga (Rostat) cho biết trong quý 1/2016, số người có thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu đã tăng lên tới 22,7 triệu người, cao hơn nhiều so với mức 14,4 triệu người trong cùng kỳ năm ngoái.

Bộ đôi lãnh đạo, Thủ tướng Dmitry Medvedev và Tổng thống Vladimir Putin, đã đặt mục tiêu nhanh chóng vực dậy nước Nga vĩ đại, vốn bị suy yếu nghiêm trọng vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, từng bước giành lại vị thế siêu cường thế giới. Đảng UR luôn được cử tri Nga “trao trọn” niềm tin và trở thành chính đảng cầm quyền trong suốt hơn một thập kỷ qua.

Thế nhưng, những thành tựu tích góp được đang dần tiêu tan do nền kinh tế Nga trải qua tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi Tổng thống Putin lên cầm quyền vào năm 1999.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh khó khăn chồng chất như vậy nên không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ cử tri ủng hộ UR giảm sút.

Theo kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VTsIOM) công bố ngày 12/9, thời điểm kết thúc chiến dịch tranh cử, UR dẫn đầu nhưng có khả năng chỉ giành được 41,1% số phiếu ủng hộ, thấp hơn nhiều so với khóa trước. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về LDPR (12,6%), KPRF (7,4%) và SR(6,3%).

Với kết quả này, UR được dự báo sẽ tiếp tục giành chiến thắng và chiếm nhiều ghế trong Duma Quốc gia khóa mới, tuy nhiên không tạo được phe đa số tuyệt đối tại Hạ viện. Thế nhưng, UR vẫn còn cơ hội để đảo ngược tình thế nhờ vào hệ thống bầu cử hỗn hợp hiện nay.

Đảng cầm quyền đặt nhiều kỳ vọng vào những ứng cử viên "độc lập" được bầu không phải theo danh sách đảng phái chính trị mà theo chế độ bầu cử đa số.

Sau khi thắng cử, những đại biểu này sẽ gia nhập UR giúp chính đảng cầm quyền ở Nga tiếp tục duy trì vị thế của mình tại cơ quan lập pháp.

Bầu cử Duma Quốc gia Nga: Phép thử lòng tin của cử tri với ông Putin ảnh 2Tổng thống Putin. (Nguồn: Sputnik)

Bên cạnh đó, dù tuyên bố không "dựa dẫm" vào hình ảnh của ông Putin, người đang có tỷ lệ ủng trên 80%, trong cuộc bầu cử lần này nhưng trong chiến dịch tranh cử, Thủ tướng Dmitry Medvedev, Chủ tịch UR, kêu gọi cử tri hãy bỏ phiếu cho chính đảng này với "lời hứa" sẽ tuân thủ đường lối phát triển đất nước do Tổng thống Putin đề ra. Chiến thuật này giúp UR không bị cử tri quay lưng hoàn toàn.

Giới phân tích cho rằng cuộc bầu cử Duma quốc gia Nga khóa 7 không chỉ là “phép thử lòng tin” của cử tri đối với UR cầm quyền, mà còn đối với cả cá nhân ông Putin. Bởi vì, kết quả bầu cử sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định của Tổng thống Putin liệu có tái tranh cử vào năm 2018 hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.