Bầu cử Quốc hội Hy Lạp: Đảng đối lập dẫn trước Thủ tướng Tsipras

Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy đảng Dân chủ Mới (ND) đối lập của ông Kyriakos Mitsotakis có khả năng cao sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Athens ngày 7/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Athens ngày 7/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, sáng 7/7 (theo giờ địa phương), hàng triệu cử tri đủ tư cách trên khắp đất nước Hy Lạp đã tới các điểm bỏ phiếu để tham gia cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn.

Đây là cuộc bầu cử Quốc hội lần 6 tại Xứ sở Thần thoại kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy đảng Dân chủ Mới (ND) đối lập của ông Kyriakos Mitsotakis sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này và dẫn trước đảng Syriza cầm quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras từ 9 đến 11 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, số phiếu dự kiến sẽ được chia đều cho 7 đảng khác và đảng giành số phiếu cao nhất có thể sẽ phải tìm kiếm đối tác thành lập chính phủ liên minh.

Trước đó, ngày 10/6, Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos đã nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Tsipras về việc giải tán quốc hội và tiến hành cuộc bầu cử sớm.

[Hy Lạp: Đảng Dân chủ Mới đối lập thắng lớn trong bầu cử địa phương]

Thủ tướng Tsipras đã đưa ra đề nghị trên sau khi đảng cánh tả Syriza của ông thất bại nặng nề trước đảng ND trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) và bầu cử địa phương hồi tháng trước.

Thủ tướng Tsipras, 44 tuổi, chính thức điều hành đất nước từ tháng 1/2015 và nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào tháng 10 năm nay.

Với mục tiêu kiên định là áp dụng đến cùng các chính sách khắc khổ, chính phủ của ông đã được nhóm "bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua các gói cứu trợ tài chính sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Ba gói cứu trợ quốc tế trị giá 289 tỷ euro (tương đương 330 tỷ USD) đã được triển khai tại Hy Lạp vào các năm 2010, 2012 và 2015.

Tháng 8/2018, sau 8 năm thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng," Hy Lạp đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công lớn nhất trong lịch sử, từng đẩy nước này tới bờ vực phá sản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.