Bầu cử Quốc hội Israel quyết định vận mệnh chính trị của ông Netanyahu

Cuộc bầu cử lần thứ hai trong năm nay này sẽ quyết định vận mệnh chính trị của Thủ tướng đương nhiệm Netanyahu, một nhà lãnh đạo theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, bảo thủ và cứng rắn.
Bầu cử Quốc hội Israel quyết định vận mệnh chính trị của ông Netanyahu ảnh 1Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Israel tại Jerusalem ngày 30/4/2019. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Sáng 17/9, khoảng 6,3 triệu cử tri Israel đã đi bỏ phiếu bầu cử quốc hội sau khi đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu không thể thành lập chính phủ liên minh mới sau cuộc bầu cử đầu tiên hồi tháng 4 vừa qua.

Cuộc bầu cử lần thứ hai trong năm nay này sẽ quyết định vận mệnh chính trị của Thủ tướng đương nhiệm Netanyahu, một nhà lãnh đạo theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, bảo thủ và cứng rắn.

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, các điểm bỏ phiếu đã bắt đầu mở cửa vào 7h sáng 17/9 (giờ địa phương) và sẽ đóng vào lúc 22h cùng ngày tại hầu hết các khu vực.

Hơn 10.000 địa điểm bỏ phiếu đã được bố trí trên cả nước bao gồm tại các trường học, bệnh viện và nhà tù.

Các binh sỹ, nhân viên ngoại giao, bệnh nhân và công dân Israel đều được phép bỏ phiếu ở nơi họ đang sống.

Khoảng 18.000 cảnh sát, nhân viên an ninh và nhân viên tình nguyện được triển khai tại khắp các địa điểm bỏ phiếu.

Dự kiến, kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 18/9.

Có 31 đảng tham gia tranh cử, nhưng chỉ 9 đảng có khả năng giành ghế trong quốc hội 120 ghế, khiến Quốc hội Israel khóa tới sẽ có ít đảng tham gia nhất trong lịch sử nước này.

Hai đảng lớn nhất cạnh tranh với nhau là đảng Likud do Thủ tướng Benjamin Netanyahu làm Chủ tịch và đảng Liên minh Xanh-Trắng do cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Benny-Gantz đứng đầu.

Ông Benny-Gantz là đối thủ chính trị lớn nhất của Thủ tướng Netanyahu trong cuộc bầu cử này.

[Ẩn số khó đoán và những kịch bản về thành lập chính phủ mới của Israel]

Chính trường Israel hiện phân làm hai khối gồm khối cánh hữu và trung-tả. Khối cánh hữu có đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu; đảng Yisrael-Beiteinu; đảng Yamina (tên cũ là New-Right); đảng United-Torah-Judasism (UTJ) là đảng tôn giáo Do Thái bảo thủ và đảng Shas của người Do Thái giáo chính thống.

Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor-Lieberman, Chủ tịch đảng Yisrael-Beiteinu, tuyên bố không tham gia liên minh của đảng Likud để thành lập chính phủ mới nếu ông Netanyahu tiếp tục đứng đầu đảng này.

Trong khi đó, khối trung-tả gồm đảng Liên minh Xanh-Trắng do hai ông Benny-Gantz và Yair-Lapid lãnh đạo; Công đảng, từng là đảng chính trị lớn nhất tại Israel, nhưng hiện nay bị suy yếu và suy giảm ảnh hưởng trong đời sống và chính trường sở tại; Liên minh Dân chủ và Joint-List là liên minh của các đảng gốc Arab.

Các cuộc thăm dò trước bầu cử đã dự báo về một cuộc đua sít sao giữa đảng Likud và đảng Xanh Trắng.

Theo các kết quả thăm dò mới nhất, đảng Likud có thể giành được 32 ghế, Liên minh Xanh-Trắng cũng 32 ghế, tiếp theo là Joint-List với 10,5 ghế, đảng Yisrael-Beiteinu 9,5 ghế, Yamina là 9,5 ghế, UTJ giành được 7,5 ghế, Shas được 7 ghế, Liên minh Dân chủ và Công đảng giành được 6 ghế mỗi đảng.

Như vậy, đảng Likud và khối cánh hữu có nguy cơ không giành được tối thiểu 61/120 ghế trong quốc hội để thành lập chính phủ mới nếu đảng Yisrael-Beiteinu của ông Avigdor-Lieberman không tham gia.

Khối trung tả cũng không thành lập được chính phủ mới nếu không bao gồm đảng Yisrael-Beiteinu. Do đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor-Lieberman sẽ một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong việc xác định lần này liệu ông Netanyahu có đảm tiếp tục đắc cử nữa hay không.

Ông Lieberman đang là nhân tố có ảnh hưởng rất lớn đến việc ai sẽ là Thủ tướng tiếp theo tại Israel.

Trước thềm cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dự đoán cuộc bầu cử tại Israel sẽ là một cuộc cạnh đua cam go "ngang tài ngang sức" khi đồng minh của ông là Thủ tướng Netanyahu tìm cách tái đắc cử.

Phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho rằng đây sẽ là "một cuộc bầu cử với tỷ lệ 50:50."

Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã có động thái thể hiện sự ủng hộ Thủ tướng Netanyahu trước thềm cuộc bầu cử khi để ngỏ khả năng về một hiệp ước phòng thủ chung tiềm năng giữa hai quốc gia.

Ông chủ Nhà Trắng cũng nói thêm rằng ông "mong chờ được tiếp tục các cuộc thảo luận về vấn đề này sau cuộc bầu cử ở Israel khi chúng tôi gặp nhau tại Liên hợp quốc vào cuối tháng này."

Giới quan sát nhận định động thái này được đánh giá sẽ gia tăng cơ hội tái đắc cử của ông Netanyahu bằng cách khẳng định quan hệ thân thiết giữa ông và người đứng đầu nước Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.