Đi học tiếng Anh ở trung tâm suốt gần một năm, nhưng cô con gái 4 tuổi của chị Nguyễn Lan Hương (Quang Trung, Hà Nội) gần như không thể nói tiếng Anh ngoài vài từ cơ bản. “Tôi thực sự thấy rất sốt ruột. Tốn kém thời gian và tiền bạc nhưng hiệu quả mang lại không như mong đợi,” chị Hương than thở.
Đây không phải là trăn trở của riêng chị Hương mà của rất nhiều phụ huynh cho con theo học tiếng Anh ở bậc mầm non.
Sáu giai đoạn để trẻ học ngoại ngữ
Theo chuyên gia ngoại ngữ hàng đầu Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng, ông đã từng tìm hiểu rất nhiều tài liệu nghiên cứ về dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non. Tất cả đều chỉ ra rằng trẻ mầm non có xu hướng học ngoại ngữ giống như cảm thụ tiếng mẹ đẻ.
Cụ thể, nghiên cứu của tác giả Mary Slatery (nghiên cứu về dạy tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nhà ở Dublin, Ireland) và tác giả Jane Willis (nghiên cứu dạy tiếng Pháp và tiếng Anh ở châu Phi) đều cho thấy quy trình cảm thụ ngôn ngữ của trẻ có 6 giai đoạn.
Thứ nhất là giai đoạn tiền sản sinh ngôn ngữ, hay còn gọi là giai đoạn im lặng. Trong giai đoạn này, trẻ chỉ nghe và thẩm thấu ngôn ngữ.
Thứ hai là giai đoạn tập sản sinh ngôn ngữ. Trẻ bắt đầu bập bẹ nói, dùng từ riêng lẻ hoặc một vài câu ngắn bao gồm hai, ba từ để giao tiếp.
Thứ ba là giai đoạn xuất hiện lời nói. Trẻ bắt đầu dùng các câu dài hơn để giao tiếp nhưng còn mắc nhiều lỗi.
Thứ tư là giai đoạn xuất hiện sự trôi chảy trong sử dụng ngôn ngữ. Trẻ bắt đầu sử dụng được ngôn ngữ một cách trôi chảy, có thể giao tiếp với câu dài hơn, đúng tình huống hơn và mắc ít lỗi hơn.
Thứ năm là giai đoạn tăng cường sự trôi chảy. Trẻ có khả năng giao tiếp tự tin hơn, với câu dài và bắt đầu dùng câu phức, mắc lỗi ít hơn.
Cuối cùng là giai đoạn hoàn thiện sự trôi chảy. Trẻ có khả năng giao tiếp trong mọi tình huống xã hội.
Trẻ “im lặng” trong bao lâu?
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, nghiên cứu của tiến sỹ Jelena Bobkina (Tây Ban Nha) về việc dạy trẻ học một ngôn ngữ thứ hai hoặc một ngoại ngữ trong giai đoạn tiền học đường cũng đã khẳng định: trẻ phải trải qua giai đoạn im lặng.
Trong nghiên cứu này, tiến sỹ Jelena Bobkina cho rằng giai đoạn im lặng này tương đương với giai đoạn đầu khi trẻ thẩm thấu tiếng mẹ đẻ, chiếm khoảng 20 tháng. Đây là nguyên tắc thẩm thấu ngôn ngữ trước khi sản sinh ngôn ngữ. Vì thế, cha mẹ không nên ép trẻ tập nói khi chưa đến thời điểm trẻ có thể nói được.
Khi sang giai đoạn bắt đầu sản sinh ngôn ngữ, trẻ sẽ học thông qua bắt chước. Tuy trẻ không nhận thức được rằng mình đang học, nhưng chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ vẫn phải được biên soạn một cách khoa học và hệ thống.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tốc độ của trẻ rất khác nhau và tình trạng không đồng đều trong lớp là tất yếu. Trẻ tập trung rất ngắn trong khi học nhưng lại quên rất nhanh. Vì thế, để thu hút sự chú ý của trẻ thì giáo viên phải rất linh hoạt trong cách dạy, dạy học thông qua các trò chơi, các hoạt động.
Phát biểu tại một hội thảo mới đây, bà Christine Chen, Chủ tịch Hiệp hội Mầm non thế giới cũng cho biết: “Chúng ta nên đảm bảo rằng việc học tiếng Anh là một việc vui vẻ, thú vị. Đối với trẻ nhỏ, thơ ca, chuyện kể và trò chơi đóng kịch là những phương pháp tạo cơ hội cho trẻ nhập tâm và dễ dàng làm quen với những từ vựng mới.”
Với những đặc thù hoàn toàn khác biệt trong việc học ngoại ngữ của trẻ mầm non so với những lứa tuổi khác, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, khi cho trẻ mầm non học ngoại ngữ, phụ huynh sẽ phải cân nhắc kỹ sự thích hợp về chương trình, môi trường, giáo viên và đặc biệt là không nên quá kỳ vọng con sẽ có bước phát triển nhanh chóng trong thời gian ngắn./.