Sau 7 ngày làm việc tích cực và khẩn trương, dưới sự chủ trì và điều hành của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Geneva Dương Chí Dũng, với tư cách Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới trong nhiệm kỳ 2018-2019, Khóa họp lần thứ 58 Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu của 191 nước thành viên, đã kết thúc vào tối 2/10.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong các cuộc họp từ ngày 24/9-2/10, các nước thành viên đã nhất trí thúc đẩy đàm phán các dự thảo Hiệp ước về Phát sóng, các khía cạnh của sở hữu trí tuệ liên quan đến nguồn gien, tri thức truyền thống, văn hóa dân gian và Hiệp ước quốc tế về Luật Kiểu dáng công nghiệp.
Cùng với đó, việc có thêm 9 nước gia nhập hoặc phê chuẩn các hiệp ước của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới cho thấy sự tham gia mạnh mẽ của các quốc gia thành viên vào các hệ thống sở hữu trí tuệ do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới quản lý và cam kết của các nước thành viên đối với hệ thống đa phương.
Tại Khóa họp, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Tiến sỹ Francis Gurry, nhấn mạnh : "Quyền sở hữu trí tuệ hình thành cơ chế khuyến khích các nhà sáng chế và sáng tạo trên toàn thế giới, còn hệ thống sở hữu trí tuệ toàn cầu dựa trên các hiệp ước do Ban thư ký Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới quản lý, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm công nghệ và văn hóa, góp phần vào tăng trưởng và cải thiện cuộc sống ở mọi nơi."
[Việt Nam điều hành khóa họp thường niên lần thứ 58 Đại Hội đồng WIPO]
Trong suốt Khóa họp Đại hội đồng lần này, các đại biểu đã cùng thảo luận nhằm đi đến việc hình thành và phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ toàn cầu. Nhiều vấn đề đã được các đại biểu nhất trí như: thành phần của các ủy ban chính của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới sẽ được quyết định tại kỳ họp Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới 2019; chấp thuận các sửa đổi đối với các điều khoản tham chiếu của Ủy ban giám sát tư vấn độc lập của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới và Điều lệ Giám sát Nội bộ; quyết định yêu cầu Chủ tịch Đại hội đồng tiếp tục tham vấn nhằm đưa ra đề xuất với Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới năm 2019 về việc mở thêm 4 văn phòng đại diện của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới trong năm tài khóa 2018-2019, trong đó có Văn phòng tại Colombia; đề nghị Ủy ban Thường trực về Quyền tác giả và các Quyền liên quan nỗ lực để đạt được đồng thuận về các vấn đề còn tồn tại liên quan đến Dự thảo hiệp ước về bảo hộ các tổ chức phát sóng tại hai phiên họp sắp tới của Ủy ban này.
Ủy ban Thường trực về Quyền tác giả và các Quyền liên quan cũng được đề nghị rà soát tại phiên họp lần thứ 38 của Ủy ban này, và nếu đạt được sự đồng thuận, sẽ đề xuất với Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới năm 2019 về thời gian và địa điểm cho Hội nghị ngoại giao nhằm thông qua văn bản Hiệp ước về Phát sóng; quyết định tiếp tục xem xét việc triệu tập một Hội nghị ngoại giao để thông qua Dự thảo về điều ước quốc tế về Luật Kiểu dáng công nghiệp, dự kiến diễn ra vào cuối nửa đầu năm 2020; kêu gọi Ủy ban liên chính phủ về sở hữu trí tuệ, nguồn gien, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian (IGC) đẩy nhanh công việc theo nhiệm vụ của Ủy ban này trong năm tài khóa 2018 và 2019.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc dẫn đầu đã tích cực tham gia và đóng góp vào một số nội dung quan trọng của kỳ họp. Bên lề hội nghị, đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới Francis Gurry, tại đó Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã đề nghị Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ, tiếp nhận cán bộ của Việt Nam làm việc tại Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới và các hỗ trợ kỹ thuật khác.
Ngoài ra, đoàn Việt Nam đã có một số cuộc họp với các đối tác song phương như Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO), Tổng cục Sáng chế Nhật Bản (JPO), Viện Sở hữu công nghiệp Pháp (INPI), Cơ quan Sở hữu trí tuệ Cuba và Cơ quan Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh (UK IPO)./.