Tổng thống Alexander Lukashenko, người tại nhiệm suốt 21 năm qua đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 5 tại Belarus, kéo dài thời gian lãnh đạo của mình thêm 5 năm nữa.
Trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, ông Lukashenko cạnh tranh với một ứng cử viên nữ lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử tổng thống Belarus, bà Tatiana Korotkevich thuộc chương trình vận động dân sự đối lập "Nói sự thật;" Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Sergey Gaydukevich và Chủ tịch Đảng Yêu nước Belarus, Nikolai Ulakhovich.
Theo kết quả sơ bộ do Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương (SIK), bà Lydia Yermoshina công bố, ông Lukashenko giành chiến thắng với 83,49% số phiếu ủng hộ.
Bà Korotkevich nhận được 4,42% số phiếu bầu; ông Gaydukevich về thứ 3 với 3,32% số phiếu bầu và cuối cùng là ông Ulakhovich với 1,67% phiếu bầu. Có 6% số cử tri không bỏ phiếu cho bất cứ ứng viên nào và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở mức cao, đạt 87,2%.
Theo chủ tịch Ủy ban Bầu cử trung ương, kết quả cuối cùng sẽ được công bố sau khi các ủy ban bầu cử tỉnh và thành phố Minsk ký biên bản kiểm phiếu bầu của từng ứng cử viên.
Tổng thống Lukashenko vận động tranh cử lần này với khẩu hiệu "Vì nước Belarus độc lập trong tương lai." Trong các bài phát biểu của mình, ông thừa nhận những khó khăn kinh tế của Belarus, song cảnh báo: "Nếu chúng ta đâm đầu vào tham nhũng, trộm cắp, chia rẽ đất nước, chúng ta còn sụp đổ nhanh hơn Ukraine."
Bà Korotkevich thì vận động cho những "thay đổi hòa bình" - tiến hành cải cách chính trị sâu rộng, trong đó có bầu chính quyền địa phương và hạn chế thời gian làm tổng thống chỉ 2 nhiệm kỳ. Bà cũng chống lại việc triển khai các căn cứ quân sự nước ngoài ở Belarus.
Ông Gaydukevich kêu gọi cân bằng giữa Đông và Tây. Còn ông Ulakhovich xem Nga là đồng minh chính.
Cuộc bầu cử tổng thống tại Belarus lần này diễn ra trong bối cảnh phức tạp và nó có thể làm thay đổi quan hệ giữa Belarus với Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nga. Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã ghi điểm cho ông Lukashenko và dẫn tới sự xích lại giữa Belarus và phương Tây.
Mới đây, các nguồn tin ngoại giao cho biết Bỉ có thể bãi bỏ cấm vận ông Lukashenko và Belarus căn cứ vào cách thức cuộc bầu cử diễn ra.
Hồi tháng Tám, Tổng thống Lukashenko cũng ân xá cho 6 nhân vật đối lập bị giam giữ, trong đó có cựu ứng viên tổng thống Nikolai Statkevich, bị bắt do tổ chức các cuộc biểu tình sau bầu cử tổng thống năm 2010.
Nếu không có gì bất thường, lãnh đạo mới của Belarus có cơ hội tốt để bình thường hóa quan hệ với EU.
Theo một số chuyên gia, ông Lukashenko cần bình thường hóa quan hệ với EU do những khó khăn về kinh tế và tài chính, và một diễn tiến như vậy sẽ tạo thêm khoảng không vận động địa chính trị giữa Nga và EU.
Ông Lukashenko ngay từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã nhiều lần công khai nhấn mạnh không gì có thể chia lìa Belarus và Nga. Tuy nhiên, ông không ủng hộ việc lập căn cứ không quân thứ 2 của Nga ở nước này dù trong tháng Chín, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh ký thỏa thuận như vậy./.