Belarus và EU thảo luận giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới

Dự kiến, các ngoại trưởng EU sẽ chính thức công bố mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Belarus trong cuộc họp ngày 15/11, theo đó áp dụng trừng phạt đối với các hãng hàng không và du lịch.
Belarus và EU thảo luận giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới ảnh 1Máy bay tuần tra khi người di cư tập trung tại vùng Grodno, khu vực biên giới giữa Belarus với Ba Lan, ngày 8/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Bộ Ngoại giao Belarus, Ngoại trưởng nước này Vladimir Makei đã thảo luận trong cuộc điện đàm ngày 14/11 với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell về cuộc khủng hoảng biên giới Belarus - Ba Lan và các biện pháp trừng phạt của Brussels đối với Minsk.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Belarus cho biết, Minsk nhấn mạnh cam kết sẵn sàng đối thoại trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau với EU.

Phía Belarus cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt của EU đối với nước này là “vô ích và phản tác dụng.”

Dự kiến, các ngoại trưởng EU sẽ chính thức công bố mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Belarus trong cuộc họp ngày 15/11, theo đó áp dụng trừng phạt đối với các hãng hàng không và du lịch được cho là liên quan đến việc đưa người di cư tới biên giới EU.

[EU thông báo kế hoạch mở rộng lệnh trừng phạt đối với Belarus]

Trước đó cùng ngày, hãng thông tấn RIA dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình nhà nước khẳng định Moskva sẵn sàng hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan.

Ông nêu rõ: "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bằng mọi cách, nếu có bất kỳ điều gì phụ thuộc vào chúng tôi." Ông cho biết đã trao đổi với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hai lần kể từ khi bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng.

EU cáo buộc Minsk để cho dòng người di cư, chủ yếu từ Trung Đông, đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan và các nước thành viên khác trong khối này nhằm đáp trả việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này. Phía Belarus luôn coi đây là cáo buộc vô căn cứ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.