Bến Tre khởi động dự án chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh

Dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre, có tổng mức đầu tư 27 triệu USD, giúp 25.000 hộ sản xuất nhỏ gồm hộ nghèo, cận nghèo được hưởng lợi.
Quang cảnh hội thảo khởi động dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Sáng 11/1, tại Bến Tre, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre phối hợp với nhà tài trợ IFAD (Quỹ Quốc tế về Phát triển nông nghiệp) tổ chức hội thảo khởi động dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre (gọi tắt là Dự án CSAT).

Ông Nguyễn Khắc Hân, Giám đốc Ban Quản lý dự án CSAT Bến Tre, cho biết dự án có tổng mức đầu tư 27 triệu USD; trong đó vốn vay IFAD 17 triệu USD, còn lại là vốn viện trợ 4,5 triệu USD và vốn đối ứng của địa phương 126,5 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2027, trên địa bàn 8 huyện và thành phố Bến Tre.

Mục tiêu của dự án là phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh trên cơ sở liên kết vùng, tiểu vùng, gắn với thị trường, cải thiện thu nhập và giảm thiểu rủi ro cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh ngành nông nghiệp của tỉnh.

Dự án bao gồm các hợp phần như lập kế hoạch phát triển chuỗi giá trị trong khuôn khổ kế hoạch tổng thể SEDP và Kế hoạch vùng Mekong; đầu tư phát triển chuỗi giá trị; quản lý dự án.

[Phát triển nông nghiệp thông minh là chìa khóa xây dựng nông thôn mới]

Qua triển khai dự án sẽ có ít nhất 25.000 hộ sản xuất nhỏ (tương đương 87.500 người), gồm hộ nghèo và cận nghèo, hộ dễ bị tổn thương, phụ nữ nông thôn và hộ do phụ nữ làm chủ hộ, nông dân trung bình và khá, thanh niên nông thôn được hưởng lợi trực tiếp.

Dự án đặt mục tiêu, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở các xã mục tiêu giảm tối thiểu 20%/tổng số hộ nghèo tại thời điểm kết thúc dự án; hơn 17.500 hộ sản xuất nhỏ lẻ cho biết khả năng chống chịu với các cú sốc về khí hậu, môi trường và kinh tế tăng hơn 20%; 20.000 hộ áp dụng các công nghệ và thực hành thích ứng với khí hậu và bền vững với môi trường, tỷ lệ tăng thu nhập của người dễ bị tổn thương và người nghèo là 15%.

Mặt khác, dự án tạo ra khoảng 500 việc làm mới cho nam giới, phụ nữ và thanh niên; 70% các tổ chức của các nhà sản xuất nông thôn tham gia vào các mối quan hệ đối tác, thỏa thuận hoặc hợp đồng với các tổ chức nhà nước hoặc tư nhân.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho biết tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, mang tính toàn cầu, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến hộ nghèo, các hộ dễ bị tổn thương.

Vì vậy, trọng tâm của dự án CSAT là hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ.

Dự án thực hiện một chuỗi các hoạt động nhằm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh trên cơ sở liên kết vùng, tiểu vùng, gắn với thị trường, cải thiện thu nhập và giảm thiểu rủi ro cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh ngành nông nghiệp của tỉnh.

Các hoạt động chính của dự án bao gồm, cải cách thể chế nhằm đẩy mạnh thực thi các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác), các nhóm kinh tế tự nguyện tham gia vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; hoàn thiện hệ thống chính sách, thực hiện rà soát đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế của tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, nâng cấp hạ tầng công, bao gồm hạ tầng kinh tế, hạ tầng logistics và hạ tầng thích ứng phục vụ phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực theo hướng chuyển đổi nông nghiệp bền vững.

Ông Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh thời gian tới tỉnh sẽ tập trung nâng cao năng lực cho các cấp và người dân về ứng phó biến đổi khí hậu; các giải pháp thông minh với khí hậu và chuyển đổi hệ thống canh tác thích ứng tốt hơn; bổ sung và tăng cường ứng dụng công nghệ số, củng cố hơn nữa các tổ chức nông dân và mối liên kết giữa họ và các tổ chức công tư và lồng ghép những giải pháp hiệu quả thông qua kết nối chính sách.

Cùng với đó, tỉnh kích thích đầu tư thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng sáng tạo có định hướng và thích ứng biến đổi khí hậu, cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh và hỗ trợ kỹ thuật, hợp đồng canh tác cho tiểu nông hộ, củng cố mạng lưới tài chính nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi tham gia cho các tổ hợp tác và hộ dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục