Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết việc ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu những thiệt hại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra, bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân địa phương.
Tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030, kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030 và các quy định pháp luật mới về biến đổi khí hậu có hiệu lực đầu năm 2022 theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Ngoài ra, được sự hỗ trợ về kinh phí của Trung ương, quốc tế, tỉnh Bến Tre tiếp tục triển khai các công trình trọng điểm về thủy lợi ứng phó xâm nhập mặn như dự án Quản lý nguồn nước Bến Tre; dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển Ba Tri nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển Thạnh Phú nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Các công trình được đầu tư đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, đến nay, dự án Quản lý nguồn nước Bến Tre, đang thi công các công trình cống Tân Phú (tiến độ đạt 45% giá trị hợp đồng), cống Bến Rớ (tiến độ đạt 26% giá trị hợp đồng). Đối với cống Bến Tre, cống An Hóa, Thủ Cửu, Cái Quao đã bồi thường giải phóng mặt bằng, đang lựa chọn nhà thầu thi công.
[Bến Tre: Khẩn trương khắc phục sạt lở nghiêm trọng ở cồn Phú Đa]
Ông Nguyễn Văn Điền, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre thông tin dự án cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đang thi công hoàn thiện các gói thầu lắp đặt thiết bị tuyến ống từ cầu Hàm Luông về thị trấn Thạnh Phú và trạm bơm tăng áp số 2. Riêng trạm bơm tăng áp số 1 đang giải phóng mặt bằng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho hay năm 2022, tỉnh đã xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng trọt và chăn nuôi có hiệu quả kinh tế và thích ứng biến đổi khí hậu nhằm tăng cường hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu như áp dụng giải pháp canh tác vườn chôm chôm trong điều kiện biến đổi khí hậu theo hướng an toàn, chất lượng tại xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách quy mô 2 ha/3 hộ; liên kết sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Sơn Phú, huyện Giồng Trôm, quy mô 5 ha/15 hộ, áp dụng giải pháp canh tác vườn sầu riêng trong điều kiện biến đổi khí hậu theo hướng an toàn, chất lượng tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành, quy mô 4 ha/10 hộ…
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh và tăng cường khả năng chống chịu của cây trồng, vật nuôi trước những thay đổi của khí hậu. Đối với cây lúa, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng và triển khai đến địa phương kế hoạch lịch thời vụ, cơ cấu giống sản xuất lúa nhằm hạn chế ảnh hưởng của hạn mặn. Đồng thời, phối hợp các địa phương tăng cường dự tính, dự báo sâu bệnh, chăm sóc và điều tiết nguồn nước nhằm phục vụ tốt cho lúa và không ảnh hưởng do hạn mặn.
Riêng cây ăn trái, cây dừa, thông qua các lớp tập huấn, ngành chức năng đã lồng ghép tuyên truyền, thông tin người dân về tình hình hạn mặn, vận động trữ nước ngọt để phục vụ cho mùa hạn mặn; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật để hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng trong điều kiện hạn mặn.
Đặc biệt, tỉnh Bến Tre tiếp tục thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính đã được xác định trong kế hoạch số 1330/KH-UBND ngày 25 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó cần quan tâm liên kết vùng. Qua đó, tỉnh xoay trục phát triển kinh tế theo hướng Đông, phát triển phù hợp với điều kiện nước mặn, phát triển kinh tế biển, khai thác tiềm năng khu vực ven biển.
Trong năm 2022, Bến Tre bố trí khoảng 790 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư các công trình góp phần phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu như kè chống xói lở bờ sông Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam; kè sạt lở bờ sông Bến Tre khu vực xã Nhơn Thạnh, thành phố Bến Tre; gia cố chống sạt lở bờ sông khu vực xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre; dự án củng cố, nâng cấp và bổ sung khép kín tuyến đê biển huyện Bình Đại; khu neo đậu tránh trú bão tàu cá kết hợp cảng cá Ba Tri; dự án tái định cư khẩn cấp sạt lở bờ sông Bến Tre...
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh vẫn còn những mặt hạn chế, chưa chủ động được nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt thích ứng với xâm nhập mặn, nước biển dâng. Nguyên nhân là do hệ thống công trình thủy lợi vẫn chưa được khép kín như dự án quản lý nước vẫn chưa hoàn thành, hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre; năng lực cảnh báo xâm nhập mặn tỉnh chưa hoàn chỉnh, hệ thống quan trắc dự báo độ mặn và giám sát chất lượng nước tự động trên các nhánh sông chính tỉnh Bến Tre hiện đang trong quá trình khắc phục, chưa vận hành chính thức.
Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre kiến nghị bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình thủy lợi để sớm đưa vào phục vụ ngăn mặn, kiểm soát nguồn nước như Dự án Quản lý nước Bến Tre, Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre./.