Những người từng mắc COVID-19 có thể bị tổn thương tim nếu sau một năm khỏi bệnh vẫn cảm thấy hụt hơi, khó thở khi hoạt động thể chất.
Đây là kết quả nghiên cứu công bố ngày 9/12 tại EuroEcho 2021 - hội nghị khoa học thường niên của Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC) diễn ra ở Berlin, Đức.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích dữ liệu của 66 bệnh nhân COVID-19 nhập viện từ tháng 3-4/2020 tại Bệnh viện Đại học Brussels (Bỉ), trong đó 67% là nam giới. Những người này có độ tuổi trung bình là 50 tuổi và không có tiền sử bệnh lý tim, phổi.
Một năm sau khi các bệnh nhân được điều trị khỏi COVID-19 và xuất viện, các nhà nghiên cứu đã dùng phương pháp đo phế dung kế và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực để đánh giá chức năng phổi và di chứng nếu có của bệnh COVID-19.
Họ cũng tiến hành siêu âm tim bằng phương pháp kỹ thuật hình ảnh mới để kiểm tra chức năng tim của các bệnh nhân. Kết quả cho thấy 23/66 người tham gia nghiên cứu (35%) bị hụt hơi, khó thở khi vận động gắng sức.
Trưởng nhóm nghiên cứu, nữ Tiến sỹ Luchian, cho rằng siêu âm tim có thể là công cụ giúp phát hiện sớm những bất thường ở chức năng tim của các bệnh nhân gặp hội chứng COVID-19 kéo dài.
[Nguy cơ biến chứng tim mạch ở người trẻ do biến thể Delta]
Những người này có thể cần được theo dõi tim thường xuyên hơn trong thời gian dài. Tuy nhiên, bà Luchian khẳng định vẫn cần tiến hành thêm nghiên cứu đối với các bệnh nhân nhiễm các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2 cùng dữ liệu về tiêm chủng để xác nhận kết quả nghiên cứu này.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các bệnh nhân COVID-19 có thể gặp biến chứng tim mạch và các triệu chứng kéo dài sau một thời gian khỏi bệnh, còn được gọi là COVID kéo dài (Long COVID).
Các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm mệt mỏi, thở gấp, khó tập trung, gặp các vấn đề liên quan đến giấc ngủ, lo lắng và trầm cảm./.