Các nước châu Á đang hành động khẩn trương và có trách nhiệm nhằm đáp lại lời kêu gọi chuyển đổi xanh để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đánh giá này được đưa ra trong báo cáo do Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) công bố ngày 20/4.
Theo báo cáo mang tên “Sự phát triển bền vững: Báo cáo thường niên châu Á và thế giới 2022”, tính đến cuối năm ngoái, đã có 25 quốc gia châu Á đưa ra cam kết giảm phát thải ròng về 0 (net-zero).
Để tăng cường công tác quản lý vấn đề này, chính phủ các nước châu Á áp dụng nhiều biện pháp bao gồm việc lập các ủy ban và nhóm lãnh đạo cấp cao giám sát quá trình xây dựng và thực hiện những chiến lược net-zero của quốc gia, xác định các mục tiêu giảm khí thải carbon và lộ trình để đạt được những mục tiêu này cũng như thiết lập hệ thống giao dịch carbon.
Báo cáo cho biết nhiều nước duy trì khả năng huy động nguồn tài trợ toàn cầu cho quỹ phát triển xanh và bền vững bất chấp đại dịch COVID-19.
[Nga tuyên bố vẫn thực hiện đầy đủ các cam kết về khí hậu]
Báo cáo dẫn số liệu mới nhất của Sáng kiến Chính sách khí hậu cho thấy tài trợ cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu dành cho châu Á năm 2020 chiếm khoảng 50% toàn cầu, cao hơn so với mức 17% cho Tây Âu và 13% cho Mỹ và Canada.
Theo báo cáo trên, nhiều doanh nghiệp tại châu Á cũng tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với 440 doanh nghiệp đăng ký tham gia sáng kiến Mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học.
Theo đó, những doanh nghiệp này áp dụng đa dạng phương thức chuyển đổi xanh, trong đó có việc chuyển sang năng lượng tái tạo và thiết lập các cấu trúc quản trị bền vững./.