BHXH chi trả hỗ trợ kịp thời cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết hưởng hỗ trợ với 365.215 người lao động, với số tiền hơn 1.034 tỷ đồng; trong số này, đã chi trả hỗ trợ cho 362.522 lao động với tổng số tiền hơn 1.028 tỷ đồng.
Người lao động được chi trả tiền hỗ trợ từ nguồn kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. (Ảnh:PV/Vietnam+)

Công tác chi trả gói hỗ trợ người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp được Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai nhanh chóng, kịp thời, đúng người, đúng quy định của Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 (về việc tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15), được người lao động, người sử dụng lao động ghi nhận, đánh giá cao.

Giải quyết hưởng hỗ trợ đối với 365.215 người lao động

Ngay sau khi Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 về việc tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động đã nộp hồ sơ đúng thời hạn theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã chỉ đạo toàn ngành chuẩn bị các nguồn lực để tổ chức hiệu quả gói hỗ trợ theo đúng kế hoạch đặt ra.

Cơ quan này đã kịp thời ban hành Công văn số 2216/BHXH-CSXH chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố triển khai Nghị quyết; tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành đến cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, huyện và quán triệt tinh thần thực hiện gói hỗ trợ đảm bảo nhanh chóng, chính xác, thuận tiện cho người lao động.

Trong quá trình thực hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn bám sát tình hình thực tế, kịp thời chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố sẵn sàng huy động mọi nguồn lực, phát huy lợi thế của hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin, chú trọng thông tin, tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng gói hỗ trợ đúng thời hạn được chi trả nhanh chóng. Đặc biệt nêu cao vai trò, trách nhiệm nòng cốt của Bảo hiểm xã hội các địa phương để số tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến đúng-đủ-kịp thời tới người lao động.

[Hỗ trợ 1.155 tỷ đồng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19]

Với sự nỗ lực, chủ động, tích cực triển khai chính sách hỗ trợ tới người lao động, tính đến ngày 10/9/2022 (hạn cuối triển khai gói hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giải quyết hưởng hỗ trợ đối với 365.215 người lao động, với số tiền hơn 1.034 tỷ đồng. Trong số này, đã chi trả hỗ trợ cho 362.522 người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ theo quy định với tổng số tiền hơn 1.028 tỷ đồng.

Còn 2.693 người lao động thuộc đối tượng đã nộp hồ sơ và được cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết hưởng theo đúng quy định nhưng chưa nhận hỗ trợ với số tiền tương ứng hơn 5,67 tỷ đồng. Nguyên nhân là do người lao động đăng ký nhận tiền nhưng chưa đến cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận hỗ trợ; có những trường hợp, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã chuyển ngân hàng để chi qua tài khoản cho người lao động, song số tài khoản người lao động cung cấp sai nên việc chi trả chưa thực hiện được…

Đối với các trường hợp này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết người lao động sẽ nhận được hỗ trợ ngay sau khi cung cấp lại thông tin số tài khoản hoặc đến nhận tại cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, còn một số trường hợp người lao động không đủ cơ sở, điều kiện thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ; đề nghị hưởng hỗ trợ cùng lúc ở nhiều nơi hoặc không có nguyện vọng nhận hỗ trợ…

Chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do COVID-19. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Có thể thấy, với số lao động được hỗ trợ trên quy mô lớn, khoản hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (được đánh giá là khoản hỗ trợ bằng tiền lớn nhất từ trước tới nay và chưa có trong tiền lệ) đã góp phần bù đắp một phần thu nhập, hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống khi gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19.

Đảm bảo quyền lợi của người tham gia

Cùng với việc quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nỗ lực, tập trung cao độ, phát huy lợi thế sẵn có từ cơ sở dữ liệu quản lý đơn vị tham gia bảo hiểm thất nghiệp của ngành để nhanh chóng xác định số đơn vị sử dụng lao động cùng số tiền (dự kiến) được giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 01/10/2021 theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ.

Kết quả, tính đến hết ngày 31/8 vừa qua, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho khoảng 347.000 đơn vị, tương ứng 11,98 triệu lao động, với số tiền giảm đóng trong 11 tháng là 8.385 tỷ đồng. Dự kiến đến hết tháng 9/2022, số tiền giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng đối với người sử dụng lao động khoảng 9.200 tỷ đồng.

Đánh giá về kết quả triển khai gói hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và người sử dụng lao động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định việc ban hành các nghị quyết về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc hỗ trợ kịp thời, trực tiếp, thiết thực đối với người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp vượt qua khó khăn do những ảnh hưởng của đại dịch.

Việc triển khai nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời gói hỗ trợ này của ngành Bảo hiểm xã hội cũng cho thấy vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết liệt trong công tác đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; được người lao động, người sử dụng lao động và cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.

Bám sát thực tiễn, nắm bắt khó khăn của người lao động và người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn đồng hành cùng các bộ, ngành và các địa phương, tham mưu, đề xuất Chính phủ kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khắc phục khó khăn, đảm bảo cuộc sống, góp phần phục hồi kinh doanh, sản xuất, củng cố và phát triển kinh tế-xã hội.

Thông qua việc triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đã góp phần củng cố niềm tin của người lao động, người sử dụng lao động vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp, từ đó tiếp tục chủ động tham gia, góp phần hiệu quả trong việc phát triển người tham gia bảo hiểm thất nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục