Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Bộ trưởng Y tế Liên bang Bỉ Frank Vandenbroucke mới đây thông báo đã chuẩn bị một dự luật đề xuất công nhận COVID-19 là bệnh nghề nghiệp trong tất cả các lĩnh vực.
Hiện, văn kiện này đang chờ ý kiến của Hội đồng nhà nước.
Bộ trưởng Vandenbroucke cho biết bước đi này là nhằm bảo vệ quyền lợi của những người mắc COVID-19 tại nơi làm việc, giúp họ giữ 90% lương trong thời gian điều trị tại bệnh viện hoặc dưỡng bệnh tại nhà, đặc biệt là đối với những người mắc hội chứng "COVID-19 kéo dài" (long COVID).
Hiện ở Bỉ, thu nhập do bảo hiểm y tế chi trả cho người lao động trong thời gian nghỉ việc là 60% tổng tiền lương sau 28 ngày nghỉ việc đối với người mắc COVID-19, tương tự những người mắc các bệnh khác.
[Nghiên cứu: COVID-19 có thể để lại di chứng ở não người bệnh]
Nếu COVID-19 được công nhận là bệnh nghề nghiệp, một người mắc bệnh tại nơi làm việc có thể giữ 90% lương. Mọi chi phí bệnh viện cũng sẽ được hoàn trả.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Vandenbroucke, để xác định trường hợp bệnh nhân COVID-19 mắc bệnh nghề nghiệp cần xét 5 tiêu chí. Trong đó, điều kiện chính là ít nhất 5 người được chẩn đoán dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 14 ngày qua tại cùng một nơi làm việc.
Họ có thể là nhân viên của công ty, khách hàng hoặc nhà cung cấp. Ngoài ra, cần phải chứng minh được rằng những người này đã gặp nhau trong công ty trong khoảng thời gian liên quan.
Hiện tại ở Bỉ, chỉ nhân viên trong lĩnh vực y tế mắc COVID-19 mới có thể được công nhận là mắc bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực cũng chịu ảnh hưởng của căn bệnh này, đặc biệt là số người mắc hội chứng "COVID-19 kéo dài" khá cao.
Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford, 36% bệnh nhân COVID-19 tiếp tục có các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, trầm cảm, lo lắng... từ 3- 6 tháng sau khi mắc.
Cho đến nay, tỷ lệ này được ước tính là từ 5 đến 20%, tùy thuộc phương pháp đánh giá. Đối với những người này, việc quay trở lại làm việc thường gặp phải nhiều vấn đề khó khăn./.