Bỉ, Cộng hòa Séc ký thỏa thuận hợp tác về tái thiết và năng lượng với Ukraine

Khoản tiền đầu tiên, trị giá 20 triệu euro, sẽ được phân bổ để khôi phục các cơ sở năng lượng ở Kiev và khu vực xung quanh, đặc biệt là các bệnh viện, trước mùa Đông tới.

Tòa nhà bị hư hại do xung đột tại Mariupol, Ukraine, ngày 17/4/2022. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Tòa nhà bị hư hại do xung đột tại Mariupol, Ukraine, ngày 17/4/2022. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Ngày 17/7, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo và Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal, cùng Bộ trưởng Hợp tác phát triển Bỉ Caroline Gennez, đã ký thỏa thuận đầu tư 150 triệu euro (164 triệu USD) trong 4 năm.

Lễ ký được thực hiện qua cầu truyền hình.

Thỏa thuận này cho phép Cơ quan phát triển Enabel của Bỉ thực hiện các hoạt động tại Ukraine. Các hoạt động sẽ diễn ra chủ yếu ở thủ đô Kiev và khu vực Chernihiv, miền Bắc Ukraine, nơi bà Gennez đã đến thăm hồi tháng 2.

Thỏa thuận nhằm tái thiết cơ sở hạ tầng quan trọng và cung cấp nơi trú ẩn dưới lòng đất trong các trường học.

Khoản tiền đầu tiên, trị giá 20 triệu euro, sẽ được phân bổ để khôi phục các cơ sở năng lượng ở Kiev và khu vực xung quanh, đặc biệt là các bệnh viện, trước mùa Đông tới, nhằm xây dựng các hệ thống năng lượng phi tập trung và bền vững, từ đó đảm bảo các dịch vụ và chăm sóc tại bệnh viện.

Bỉ sẽ hỗ trợ triển khai các giải pháp năng lượng tại địa phương như máy phát điện cho bệnh viện, trường học và tấm pin Mặt Trời.

Theo thông cáo báo chí từ Bộ Y tế Ukraine, khoảng 40 bệnh viện có thể được trang bị để tiếp tục hoạt động tự chủ mà không bị gián đoạn.

Cùng ngày, Bộ Công Thương Cộng hòa Séc xác nhận nước này đã ký bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác năng lượng với Ukraine.

Bộ Công Thương nhấn mạnh một trong những điểm chính của MoU này là sự hỗ trợ của Cộng hòa Séc trong việc thiết lập Hành lang Hydro Trung Âu để vận chuyển hydro tái tạo được sản xuất ở Ukraine, sau đó chuyển sang Liên minh châu Âu (EU).

Bên cạnh đó, Séc và Ukraine còn tăng cường an ninh năng lượng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng năng lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.