Đối mặt với tình trạng thiếu tiền do bị không kích, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã giảm lương trả cho thành viên trên các vùng đất chúng kiểm soát và còn thực hiện nhiều biện pháp "thắt lưng buộc bụng" khác.
Cắt lương, giảm thưởng
Từng khoe khoang về việc đã có thể tự in tiền, nay IS đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn phục vụ chi tiêu.
IS dùng tiền lương và thưởng cao, bên cạnh các phúc lợi lớn khác như trợ cấp sinh con, tiền tổ chức trăng mật... để gây dựng sự trung thành của các thành viên. Nhưng nay, do đã hết tiền, nhóm này phải ngừng cung cấp các phúc lợi đó. Ngay cả những lợi ích nhỏ mà các thành viên IS từng được hưởng như đồ uống tăng lực và bánh kẹo miễn phí, nay cũng không còn.
Tại Raqqa, cứ điểm của nhóm IS ở Syria, lương thành viên đã bị giảm một nửa kể từ tháng 12 và điện cũng chỉ được cấp theo giờ. Và không chỉ các chiến binh mới bị giảm thu nhập. "Bất kỳ ai hưởng lương (của IS), từ các lao động trong tòa án tới trường học, đều bị giảm 50% thu nhập," một nhà hoạt động ở Raqqa hiện đang sống tại thành phố Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Theo một cư dân tại thành phố Fallujah của Iraq, các chiến binh từng kiếm được 400 USD mỗi tháng giờ không được trả lương và chúng cũng chỉ được cho ăn 2 bữa một ngày.
Sự thay đổi chóng mặt này diễn ra bởi hoạt động không kích mà liên quân thực hiện, nhằm vào các kho tiền của IS, đã khiến hàng triệu đô la trong ngân khố của IS bốc hơi. Ngoài ra còn phải kể tới tình trạng tụt giảm giá dầu toàn cầu, gây ảnh hưởng tới một nguồn thu từng rất ổn định của IS; các cơ sở hóa dầu bị tàn phá khiến sản lượng dầu của IS giảm sút; các tuyến đường vận tải bị cắt đứt làm cho hàng hóa khan hiếm tại nhiều vùng đất của IS.
Một cư dân từng sống ở Raqqa, nay đã chạy sang Beirut, Liban, cho biết người Syria ở hải ngoại đang phải gửi đô la về để thân nhân có tiền mua các nhu yếu phẩm bình thường như rau củ. Còn một người Iraq hiện sống ở Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng con đường dẫn tới Mosul đã bị cắt đứt vào cuối năm ngoái và giá cả đã tăng lên chóng mặt - giá xăng hiện tăng 25%, giá thịt tăng gần 70% và giá đường cũng tăng gấp đôi.
Ở Iraq, nơi IS đang từng bước mất dần kiểm soát trong năm qua, chính quyền Iraq đã cắt lương của người lao động làm việc trong các vùng lãnh thổ bị nhóm này chiếm đóng, sau khi có tin chúng đánh thuế từ 20-50% số tiền lương mà họ được nhận. Các nhà phân tích chỉ ra rằng bằng cách này, chính quyền Iraq đã khiến IS tổn thất thu nhập chừng 10 triệu USD mỗi tháng.
Tăng thuế, tăng phạt
IS đang xoay sở để đối phó với những khó khăn tài chính. Chỉ trong 2 tuần qua, IS đã yêu cầu người dân dùng tiền đô la Mỹ để chi trả các khoản thuế, phí dùng nước và điện.
Nhưng dường như các nỗ lực này là không đủ để khỏa lấp khoảng trống tài chính. IS thường đổ rất nhiều tiền để trả lương cho các tay súng thành viên và để mua thay thế các loại vũ khí đã bị hư hỏng, thất lạc. 2 khoản chi phí này luôn chiếm tới 2/3 ngân sách của IS, theo một ước tính do Aymenn Jawad al-Tamimi, một nhà nghiên cứu ở Diễn đàn Trung Đông, thực hiện.
Cuộc phản công của chính quyền Syria ở tỉnh Aleppo, nơi IS kiểm soát nhiều thành phố gồm Manbij, Jarablus và al-Bab, cũng tăng áp lực lên IS. Lính chính quyền và các chiến binh đồng minh đã tiến quân về phía thành phố Aleppo thuộc tỉnh trên và tăng thêm sức ép lên IS, buộc nhiều kẻ ở đây phải đưa gia đình tới lánh nạn tại Raqqa.
Một người chạy trốn khỏi al-Bab có tên Oussama cho biết các chiến binh cấp thấp đã bắt đầu than phiền và tìm cách đào tẩu khỏi thành phố, bất chấp lệnh cấm do IS đưa ra. "Anh đã có thể thấy cảm giác bực dọc của chúng, thấy tinh thần đang giảm xuống," Oussama nói.
Cư dân cũng chỉ có thể rời khỏi al-Bab nếu họ trả một khoản tiền trị giá 1.000 USD, con số lớn không tưởng vào lúc này. Có tin nói IS cũng cho phép cư dân Fallujah trả 500 USD để phóng thích một tù nhân.
Hãng tin AP đã liên lạc với một số người dân ở Mosul và thấy rằng IS đã bắt đầu phạt tiền các cư dân không chịu tuân theo quy định hà khắc của chúng, thay vì phạt đánh đòn như trước kia. Cư dân tin rằng đây là một biện pháp đối phó với khó khăn tài chính, bởi nhóm đã tịch thu gần như mọi thứ có giá như xe hơi và các loại hàng hóa khác để bán lại ở Syria.
Giới chức Mỹ chia sẻ với hãng tin AP rằng các tay súng IS đã hạn chế đi lại và chi tiêu trong mấy tháng gần đây, có thể do gặp khó khăn tài chính. Nhưng chúng vẫn kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn và chính quyền Syria vẫn chưa thu được nhiều thắng lợi chống những kẻ cực đoan này.
Có một thực tế không thể chối cãi là IS vẫn tồn tại dai dẳng, bất chấp khó khăn. Ngày 27/1 vừa qua, nhóm phân tích Soufan Group nói rằng IS đang tìm dòng tiền mới ở Libya, nơi nhóm chịu ít áp lực hơn và chẳng bị không kích. Ngoài ra các chiến binh của IS vẫn được phát đồ ăn và dùng điện miễn phí, dù chúng không được hưởng những quyền lợi xa xỉ gồm bánh kẹo và nước ngọt như trước đây.
"Tôi không nghĩ sự thiếu hụt tài chính có thể gây tác động nguy hiểm tới IS," al-Tamimi nói. "Tôi vẫn không thấy các cuộc nổi dậy xuất hiện trong nhóm vì nguyên nhân cạn tiền. Có vẻ như kịch bản là nhóm này sẽ chỉ suy giảm từ từ, trước khi tan rã./."