Biến động chính trị tại Ukraine tiếp tục đẩy kinh tế Ukraine vào tình cảnh khó khăn khi Nga ngừng giải ngân gói cứu trợ trước đây Moskva đã hứa với chính quyền Tổng thống Viktor Yanukovych.
Trong bối cảnh đó, Mỹ đã hối thúc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF nhanh tay giải cứu Ukraine và điều này có nguy cơ làm tổn hại uy tín của IMF.
Một đội chuyên gia IMF đã hạ cánh xuống Ukraine trong ngày 3/3 để thảo luận với nhà chức trách, đánh giá các vấn đề trong nền kinh tế của đất nước để định hình một kế hoạch viện trợ trong bối cảnh căng thẳng ở nước cộng hòa tự trị Crimea đang leo thang.
IMF đang bị lạm dụng
Chính phủ lâm thời ở Kiev không được Nga công nhận nói rằng họ cần "ít nhất" 15 tỷ USD. Một khoản vay từ IMF dường như sẽ khó thành hiện thực ngay, nhưng sự kỳ vọng rõ ràng là rất lớn.
Trong ngày 2/2, các bộ trưởng tài chính từ 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (về cơ bản là khối G8 trừ Nga) đã nhấn mạnh rằng IMF đã được "chuẩn bị tốt nhất" để lãnh đạo một chương trình hỗ trợ cho Ukraine.
Mỹ, nước có tiếng nói lớn nhất trong IMF, đã liên tục nói rằng quỹ phải ở trung tâm của mọi chương trình giải cứu. Châu Âu, vốn có quyền bỏ phiếu mạnh trong quỹ, cũng có chung quan điểm.
"Không một nước thành viên nào sẽ hành động khi chưa có sự đánh giá nhu cầu tài chính của Ukraine do IMF thực hiện" - một nguồn tin châu Âu nói hôm 3/3 với AFP.
IMF cho biết hồi tuần trước rằng tổ chức đã sẵn sàng trả lời một đề nghị giúp đỡ chính thức từ Ukraine.
Nhưng Quỹ này cũng có các nguyên tắc điều hành chặt chẽ và cẩn trọng. Họ không muốn làm mất lòng một số nước thành viên đã chỉ trích tổ chức vì đôi khi tuân theo áp lực từ phương Tây.
Theo các quy định nội bộ, IMF chỉ có thể cho một nước vay tiền nếu nước này đồng tình triển khai các chính sách thắt lưng buộc bụng. Quốc gia vay tiền cũng phải có một kế hoạch "khả thi" trong việc đưa hoạt động tài chính công tới điểm có thể trả nợ.
Nhưng các quy định này đã bị lạm dụng một phần khi quỹ và châu Âu tìm cách giải cứu Hy Lạp hồi năm 2010, trong bối cảnh xuất hiện nhiều áp lực chính trị và không khí hoảng sợ trong khối đồng tiền chung châu Âu.
Năm 2013, IMF thừa nhận đã phê chuẩn chương trình cho Hy Lạp vay tiền, dù các chuyên gia của họ không chắc kế hoạch tài chính của nước này có đảm bảo việc trả nợ.
"Phương Tây hãy tự bỏ tiền"
Tuy nhiên Ukraine và Hy Lạp có nhiều điểm khác nhau. Trong năm 2010, khoản nợ công của Hy Lạp đã phồng lên và lớn hơn 143% nền kinh tế. Trong khi đó nợ công của Ukraine chưa đầy 45% nền kinh tế, theo thông số của IMF.
Tuy nhiên vẫn có người e ngại về việc quỹ đang chịu sức ép từ những bên góp vốn lớn nhất để cứu Ukraine.
"Quỹ phải bảo tồn uy tín và ngăn chặn việc tự mình bẻ cong quy định. Quỹ không thể chấp nhận được việc bị xem như công cụ chính trị của Mỹ và châu Âu" - ông Paulo Nogueira Batista, người đại diện Brazil và 10 nước khác trong ban quản trị IMF, nói nhưng cho biết ý kiến chỉ là quan điểm của riêng ông.
Thêm vào đó, Ukraine không có thành tích tốt với IMF. Nước này hiện phải trả cho IMF 4,5 tỷ USD trước cuối năm 2015 và trước đây một chương trình viện trợ của IMF đã bị dừng sau khi nước này ngừng một số cải cách như đã hứa.
Với việc những người cầm quyền ở Kiev mới bắt đầu điều hành công việc và chính quyền vẫn rất non nớt, đã có những quan ngại về khả năng vay và trả nợ của họ.
IMF hiện từ chối không trả lời câu hỏi về các áp lực mà tổ chức phải nhận liên quan tới chương trình cho Ukraine vay. Nhưng về nội bộ, IMF thừa nhận đang chịu áp lực "khổng lồ" phải hành động vì Ukraine.
Dưới sức ép lớn, Giám đốc IMF Christine Lagardeđã phải lên tiếng nhấn mạnh về nhu cầu triển khai từ từ một chương trình cho Ukraine vay, thay vì vội vã trong hoảng loạn. "Chúng ta phải dựa vào các điểm thực tế" - bà nói.
Theo cựu quan chức IMF Desmon Lachlan, các nước phương Tây cần phải thò tay vào túi mình nếu họ muốn nhanh chóng giúp Ukraine.
"Nếu phương Tây muốn đưa tiền cho Ukraine, đó phải là các hoạt động song phương, diễn ra từ những người chơi chính. Về phần mình, IMF sẽ phải thương thảo về một chương trình phù hợp" - ông nói với AFP./.