Người dân Anh tăng hoài nghi sau nhiều vụ bị tấn công khủng bố

Bị nhiều vụ tấn công khủng bố, người dân Anh tăng hoài nghi

Sau khi xảy ra các vụ tấn công đẫm máu tại 2 thành phố London và Manchester hồi đầu năm, số lượng đối tượng khả nghi do người dân thông báo cho chương trình chống khủng bố của Anh đã tăng gấp đôi.
Bị nhiều vụ tấn công khủng bố, người dân Anh tăng hoài nghi ảnh 1Cảnh sát đặc nhiệm Anh tuần tra trên chuyến tàu tới nhà ga Euston ở London ngày 29/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Số lượng đối tượng khả nghi do người dân nước này thông báo cho chương trình chống khủng bố của chính phủ đã tăng gấp đôi kể từ sau khi xảy ra các vụ tấn công đẫm máu tại 2 thành phố London và Manchester hồi đầu năm nay.

Trả lời báo giới ngày 9/8, người phát ngôn Hội đồng Cảnh sát trưởng quốc gia Simon Cole thông báo tính từ tháng Ba vừa qua - thời điểm nước Anh hứng chịu 1 trong 4 vụ tấn công kinh hoàng - chương trình mang tên “Phòng ngừa” đã được thông báo về khoảng 200 đối tượng khả nghi, tăng gấp đôi so với số liệu những tháng trước khi xảy ra các vụ khủng bố.

Tuy nhiên, ông Cole cho rằng số đối tượng mà người dân trình báo cho chương trình trên vẫn khá thấp (500 người) trong cả năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 so với tổng số khoảng 6.300 đối tượng lọt vào "tầm ngắm" của các cơ quan an ninh, lực lượng cảnh sát hoặc các tổ chức khác mỗi năm.

[​Cảnh sát Anh bắt giữ một người đàn ông 49 tuổi âm mưu khủng bố]

Ông Cole khuyến khích người dân nêu cao tinh thần cảnh giác và thông báo kịp thời cho lực lượng an ninh về các hành vi khả nghi của những người xung quanh.

Năm ngoái, chương trình “Phòng ngừa” đã giúp lực lượng an ninh Anh ngăn chặn khoảng 150 người có ý định đến Syria để tham gia lực lượng thánh chiến tại quốc gia Trung Đông này. Khoảng 55-60% số đối tượng mà người dân phát giác đều có liên quan đến những người Anh được cho là có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chương trình “Phòng ngừa” được triển khai sau khi các vụ đánh bom liều chết do 4 đối tượng Hồi giáo cực đoan tại Anh thực hiện nhằm vào mạng lưới giao thông ở thủ đô London hồi tháng 7/2005.

Chương trình này lâu nay là một trong những vấn đề gây tranh cãi dù đây là một nỗ lực của Chính phủ Anh nhằm ngăn chặn các công dân nước này dính líu tới những hoạt động bạo lực cực đoan.

Nhiều người theo đạo Hồi coi chương trình là công cụ để giám sát cộng đồng Hồi giáo thay vì nhắm tới những đối tượng có nguy cơ bị cực đoan hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.