Bỉ: Tranh cãi về việc bảo mật hoàn toàn danh tính của người hiến tinh trùng

Theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp Bỉ, việc bảo mật hoàn toàn danh tính của người hiến tinh trùng là vi hiến vì nó xâm phạm quyền của trẻ em được biết về bản thân.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Progress)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Progress)

Trong một phán quyết lịch sử, Tòa án Hiến pháp Bỉ đã khẳng định quyền của trẻ em sinh ra từ việc hiến tinh trùng được biết về nguồn gốc của mình.

Quyết định này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc tranh luận về bảo mật thông tin trong các trường hợp hiến tặng sinh sản.

Theo phán quyết của tòa án, việc bảo mật hoàn toàn danh tính của người hiến tinh trùng là vi hiến vì nó xâm phạm quyền của trẻ em được biết về bản thân.

Tòa án đã yêu cầu Quốc hội Bỉ sửa đổi luật hiện hành trước ngày 30/6/2027 để đảm bảo quyền lợi của trẻ em.

Phán quyết này bắt nguồn từ Iris Tuijaerts, một sinh viên 24 tuổi, người đã khởi xướng vụ kiện. Sinh ra từ tinh trùng hiến tặng, Iris luôn mong muốn biết về cha đẻ của mình. Tuy nhiên, bệnh viện nơi cô được thụ tinh đã từ chối cung cấp thông tin.

Câu chuyện của Iris đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi về quyền của trẻ em được biết về nguồn gốc của mình. Nhiều người trẻ khác cũng như Iris đã bày tỏ mong muốn được tìm hiểu về quá khứ của mình.

Trong khi quyết định của Tòa án Hiến pháp được nhiều người hoan nghênh, nó cũng gây ra những tranh cãi. Fabrice, một người từng hiến tinh trùng, chia sẻ anh đã làm điều đó với mục đích giúp đỡ người khác và kiếm thêm thu nhập. Anh lo ngại rằng việc công khai danh tính sẽ khiến nhiều người ngần ngại hiến tặng.

"Tôi hiến tinh trùng vì danh tính của tôi được bảo mật. Nếu không có sự đảm bảo này, có lẽ tôi đã phải suy nghĩ kỹ hơn," Fabrice chia sẻ.

Félix Francotte, một người khác cũng được sinh ra từ tinh trùng hiến, đã dành nhiều năm để tìm kiếm nguồn gốc của mình. Sau nhiều nỗ lực, anh đã tìm thấy những người anh em cùng cha khác mẹ. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ với người cha ruột vẫn là một điều xa vời.

Quyết định của Tòa án Hiến pháp đặt ra nhiều câu hỏi về cách thức thực hiện việc công khai thông tin. Liệu danh tính của người hiến tinh trùng sẽ được công khai ngay lập tức hay sau một khoảng thời gian nhất định? Quyền riêng tư của người hiến sẽ được bảo vệ như thế nào? Ủy ban tư vấn đạo đức sinh học Bỉ đã đưa ra một số gợi ý, bao gồm việc giữ bí mật danh tính nếu cả người hiến và người nhận đều đồng ý hoặc công khai thông tin sau một thời gian nhất định.

Việc sửa đổi luật sẽ là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa quyền lợi của trẻ em, người hiến tinh trùng và các bên liên quan. Tuy nhiên, quyết định của Tòa án Hiến pháp đã mở ra một hướng đi mới, giúp đảm bảo trẻ em sinh ra từ việc hiến tặng sinh sản có quyền được biết về nguồn gốc của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.